Apple Store thực hiện loạt thay đổi chính sách về tính phí ứng dụng để tránh bị EU phạt nặng

Apple vừa công bố loạt thay đổi chính sách đối với App Store của mình sau khi Ủy ban châu Âu (EU) cáo buộc công ty vi phạm các quy tắc kỹ thuật số mới của khối.

Apple mới đây đã công bố nhiều thay đổi chính sách của mình tại Liên minh châu Âu, cho phép các nhà phát triển giao tiếp với khách hàng của họ bên ngoài App Store sau khi Ủy ban này buộc tội nhà sản xuất iPhone vi phạm các quy tắc công nghệ của khối.

Ủy ban châu Âu cho biết, theo hầu hết các điều khoản kinh doanh, Apple chỉ cho phép điều hướng thông qua "liên kết ngoài", nghĩa là các nhà phát triển ứng dụng có thể đưa một liên kết vào ứng dụng của họ để chuyển hướng khách hàng đến một trang web nơi khách hàng có thể tiến hành các giao dịch hợp đồng.

Về quy định kể trên, hiện đã có sự thay đổi. Các nhà phát triển ứng dụng đã có thể "vượt rào"  để truyền đạt và quảng bá các ưu đãi có sẵn ở mọi nơi, không chỉ trên trang web, mà còn từ trong ứng dụng của họ.

Apple là công ty công nghệ đầu tiên phải đối mặt với luật pháp mới của EU được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số,

Tuy nhiên, Apple sẽ áp dụng hai loại phí mới - phí mua lại ban đầu là 5% đối với người dùng mới và phí dịch vụ cửa hàng là 10% cho mọi giao dịch mua hàng do người dùng ứng dụng thực hiện trên bất kỳ nền tảng nào trong vòng 12 tháng kể từ ngày cài đặt ứng dụng.

Hiện tại, Apple tính ba loại phí: phí công nghệ cốt lõi chưa đến 1% ứng dụng, phí hoa hồng giảm cho tất cả hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số được bán thông qua App Store và phí tùy chọn cho các dịch vụ thanh toán và thương mại.

Hai loại phí mới sẽ thay thế mức hoa hồng đã giảm cho tất cả hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số được bán thông qua App Store.

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã chỉ trích mức phí mà Apple tính đối với các nhà phát triển ứng dụng muốn tìm kiếm khách hàng mới thông qua App Store, cho rằng mức phí này vượt quá mức cần thiết cho khoản thù lao đó.

Một quan chức của Ủy ban cho biết: "Chúng tôi sẽ đánh giá những thay đổi cuối cùng của Apple đối với các biện pháp tuân thủ, đồng thời xem xét mọi phản hồi từ thị trường, đặc biệt là các nhà phát triển".

Trước đó, EU cho biết các điều khoản của App Store ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng tự do hướng người dùng đến các phương thức thanh toán thay thế, khiến Apple trở thành công ty công nghệ đầu tiên phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật mới có tên là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA).

Rõ ràng, dưới sức ép của Đạo luật mới ở châu Âu, Apple buộc phải thay đổi nếu không muốn phải gánh chịu những khoản phạt hàng năm lên tới những con số khổng lồ. Không chỉ Apple, nhiều "ông lớn" khác cũng đang trong tầm ngắm của Ủy ban châu Âu bao gồm Meta, Google, Amazon, Microsoft và thậm chí cả ByteDance với "con cưng" là TikTok. Các công ty buộc phải tuân theo các quy định của DMA để tránh được những khoản phạt lớn. 

Đối với trường hợp của Apple, Ủy ban cho biết họ "sẽ đánh giá những thay đổi cuối cùng của công ty đối với các biện pháp tuân thủ, đồng thời xem xét mọi phản hồi từ thị trường, đặc biệt là từ các nhà phát triển".

Loạt "ông lớn" công nghệ đang trong tầm ngắm của DMA.

DMA cung cấp cho các công ty công nghệ lớn danh sách những gì họ có thể và không hể làm trong kinh doanh nhằm tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ví dụ, họ phải cung cấp màn hình lựa chọn cho trình duyệt web và công cụ tìm kiếm để cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn hơn.

Luật này trao cho EU quyền áp dụng mức phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu của một công ty. Mức phạt này có thể tăng lên tới 20% đối với những công ty tái phạm. Apple cũng phải đối mặt với mức phạt hàng ngày lên tới năm phần trăm doanh thu trung bình hàng ngày trên toàn thế giới nếu bị phát hiện không tuân thủ.

Tổng doanh thu của Apple trong năm tính đến tháng 9 năm 2023 là 383 tỷ USD.

App Store của Apple đã là chủ đề gây tranh cãi với EU, thậm chí trước khi DMA có hiệu lực vào tháng 3 năm nay. EU trước đó đã phạt Apple 1,8 tỷ euro (2,0 tỷ USD) sau những phát hiện tương tự trong cuộc điều tra được đưa ra vào năm 2020 sau khiếu nại từ Spotify. Apple đã kháng cáo mức phạt này.