Bất động sản nghỉ dưỡng sôi động trở lại, nhưng năm 2025 chỉ mới “rã băng”

Dù thị trường đã có dấu hiệu giao dịch trở lại, nhưng các chuyên gia nhận định năm 2025 chỉ là giai đoạn bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu “rã băng”, chứ chưa phải thời điểm để bứt phá mạnh mẽ.

Từ cuối năm 2024 đến nay, thị trường condotel tại các địa phương du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn đang ghi nhận làn sóng săn mua mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào loại hình này, bởi nhiều căn vị trí đẹp, đầy đủ nội thất nhưng giá bán hợp lý chỉ khoảng từ 1,4 – 2 tỷ đồng/căn diện tích 35- 45m2.

Condotel “cắt lỗ” hợp lý hơn đất nền

Theo anh Hoàng Văn, một nhà đầu tư tại Đà Nẵng, với số tiền dưới 2 tỷ đồng thì không thể “mơ” đến chung cư, mà đầu tư vào đất nền chỉ có thể mua được lô diện tích nhỏ ở các tỉnh lẻ với hiệu quả không cao. Trong khi đó, với condotel, có thể sở hữu căn hộ sang trọng tại các thành phố du lịch.

Anh chia sẻ thêm, thị trường condotel vẫn đang ở mức "đáy", nên đầu tư vào phân khúc này có thể mang lại lợi nhuận lớn khi thị trường sôi động trở lại. Tương tự, chị Trần Thị Minh Nguyệt, một nhà đầu tư tại Hà Nội, cũng đã mua một căn condotel tại Đà Nẵng vào cuối năm 2024 với giá 3,7 tỷ đồng. Căn hộ có diện tích 64m2, gồm hai phòng ngủ, tương đương 57 triệu đồng/m2. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, chị đã cho thuê lại với giá 15 triệu đồng/tháng.

"Nếu dùng số tiền 3,7 tỷ đồng để mua chung cư tại Hà Nội, rất khó tìm được căn phù hợp và tiền thuê hàng tháng chưa chắc đạt 15 triệu đồng. Trong khi đó, condotel có giá hợp lý và khả năng tăng giá cao trong thời gian tới", chị Nguyệt chia sẻ.

Theo các môi giới bất động sản chuyên về condotel, nhiều nhà đầu tư đã quay lại phân khúc này do giá trị ít biến động trong những năm qua, thậm chí còn có nhiều trường hợp bán cắt lỗ.

Theo các môi giới bất động sản chuyên về condotel, nhiều nhà đầu tư đã quay lại phân khúc này do giá trị ít biến động trong những năm qua, thậm chí còn có nhiều trường hợp bán cắt lỗ

Theo anh Phú, một môi giới chuyên mảng nghỉ dưỡng cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, mỗi tháng anh giao dịch thành công từ 4 - 5 căn condotel. Nhà đầu tư chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM, tập trung vào các căn diện tích nhỏ từ 35 - 40m2 hoặc căn hai phòng ngủ với diện tích 50 - 60m2.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có nhiều tiềm năng trong năm 2025. Sự phục hồi tích cực của ngành du lịch là yếu tố quan trọng thúc đẩy phân khúc này. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ngành du lịch cần phát triển hệ thống hạ tầng từ giao thông đến cơ sở lưu trú chất lượng cao nhằm thu hút và giữ chân du khách.

Nguồn cung trong năm 2025 được kỳ vọng tăng khoảng 80% so với năm 2024 khi các chủ đầu tư điều chỉnh giá bán và chính sách. Trong khi đó, nhu cầu cũng được cải thiện khi hành lang pháp lý rõ ràng hơn. Xu hướng đầu tư chủ yếu hướng đến biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài hoặc căn hộ du lịch có phương án vận hành rõ ràng.

Dự báo giá bán sơ cấp vẫn ở mức cao nhưng sẽ được điều chỉnh hợp lý. Giá biệt thự nghỉ dưỡng tại các khu vực có nguồn cung dư thừa sẽ đi ngang, trong khi những khu vực du lịch trọng điểm có thể tăng khoảng 15% nhờ dòng tiền cho thuê ổn định.

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể bứt phá ngay

Dẫu vậy, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA nhận định, dù vướng mắc pháp lý đã có hướng giải quyết, nhưng chưa được tháo gỡ triệt để. Phần lớn nhà đầu tư vẫn đang chờ tín hiệu từ thị trường khi các quy định pháp lý mới có hiệu lực, khiến thanh khoản chưa có sự đột phá dù nguồn cung có dấu hiệu cải thiện.

Bên cạnh đó, phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng còn gặp thách thức khi áp dụng bảng giá đất mới theo giá thị trường. Giá đất tăng cao làm chi phí thuê đất đội lên, đặc biệt với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thuộc nhóm đất thương mại dịch vụ có thời hạn sở hữu. Đối với những dự án cần gia hạn thời gian thuê đất, chi phí này là một ẩn số lớn, ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, bất động sản nghỉ dưỡng có thể trở thành tiêu sản, tạo tâm lý thận trọng với phân khúc này.

Theo ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đat Xanh Services, bất động sản nghỉ dưỡng cần thêm vài năm nữa để thật sự sôi động trở lại. Rào cản lớn nhất của phân khúc này là hiệu suất đầu tư chưa cao và tình trạng dư thừa nguồn cung. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng ở mức cao nhưng hiệu quả khai thác thương mại chưa đạt kỳ vọng.

Vấn đề lớn nhất của bất động sản nghỉ dưỡng là thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư

Ngoài ra, những tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua tại một số dự án trước đây đã khiến nhà đầu tư thận trọng hơn khi tiếp cận loại hình này. Cũng theo ông Tiến, dù đã có những tín hiệu tốt trở lại nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Theo đó, năm 2025 chỉ được đánh giá là bớt khó khăn hơn nhưng chưa thể hoàn toàn khởi sắc.

Chuyên gia bất động sản độc lập Nguyễn Hoàng phân tích thêm, vấn đề lớn nhất của bất động sản nghỉ dưỡng là thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư. Trong giai đoạn cao điểm 2015-2019, hàng nghìn căn biệt thự, nhà phố, condotel được đưa ra thị trường mỗi năm, nhưng chất lượng khai thác chưa cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ chậm. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào dòng khách quốc tế cũng khiến nguồn thu từ hoạt động cho thuê và kinh doanh bị ảnh hưởng.

Chính sách cam kết lợi nhuận từng là "chiêu bài" thu hút nhà đầu tư nhưng hiện lại trở thành điểm yếu khi nhiều chủ đầu tư không thể thực hiện cam kết, dẫn đến sự mất niềm tin từ khách hàng. Nếu bài toán lợi nhuận không được giải quyết, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Miền, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của VARS, lực cầu năm nay có thể cải thiện tại các thị trường du lịch trọng điểm với hạ tầng tốt và lượng khách quốc tế ổn định. Tuy nhiên, đối với thị trường chung, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thể tạo ra sự đột phá. Một số khu vực vẫn tồn đọng nguồn cung nghỉ dưỡng cao cấp chưa được đưa vào vận hành do hạ tầng và tiện ích chưa hoàn thiện. Để thị trường trở lại sôi động như năm 2018, có thể cần thêm vài năm nữa.