Các ngân hàng “chạy đà” tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế trong năm 2025, các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng và nhanh chóng triển khai các biện pháp kích cầu ngay từ đầu năm.

Kỳ vọng tăng trưởng từ quý I

Theo đại diện Agribank, dựa trên cách tính chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2025, tương ứng với việc bơm thêm 230.000 tỷ đồng vào nền kinh tế, nâng tổng quy mô tín dụng lên hơn 1,7 triệu tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, Agribank triển khai bốn chương trình cho vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, khách hàng lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tùy theo đối tượng và điều kiện, khách hàng sẽ được giảm lãi suất vay từ 1,2-1,8%/năm.

Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng này cũng tung ra gói tín dụng ưu đãi với quy mô 110.000 tỷ đồng. Tương tự, BIDV cũng đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024 với tín dụng tăng 15,3% và lợi nhuận trước thuế tăng 12,4%. Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 14% trong năm 2025.

Năm nay, NHNN không áp dụng chỉ tiêu tín dụng cố định cho từng ngân hàng. Thay vào đó, các ngân hàng được chủ động xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng của mình, dựa trên hệ số áp dụng chung do NHNN công bố. Hệ số này được xây dựng dựa trên các tiêu chí như xếp hạng tín dụng và kết quả cho vay của từng ngân hàng trong năm 2024.

Thực tế, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2025 của Vụ Dự báo và Thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng 3,4% trong quý I và 14,2% trong cả năm. Mặc dù mức dự báo này giảm nhẹ so với kỳ điều tra trước (14,4%), nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 1,34% của quý I/2024.

Đáng chú ý, tín dụng ngắn hạn được dự báo sẽ tăng nhanh hơn tín dụng trung và dài hạn trong cả năm 2025. Bên cạnh đó, lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tăng khoảng 0,2-0,3% trong năm. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 3,5% trong quý I và 12,8% trong cả năm, với mức tăng trưởng của các kỳ hạn dưới và trên một năm tương đương nhau.

Mặc dù thanh khoản ngân hàng đã cải thiện đáng kể trong quý IV/2024, các tổ chức tín dụng kỳ vọng sự cải thiện mạnh mẽ hơn trong quý I/2025. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm trong quý IV/2024 và được kỳ vọng tiếp tục giảm trong năm 2025. Dự kiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2025 sẽ thấp hơn cả mức dự kiến vào cuối năm 2024.

Bất động sản phục hồi, tín dụng tăng trưởng mạnh

Song song đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tín dụng. Các chuyên gia nhận định, cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng, nhờ nhu cầu tái tài trợ cho trái phiếu đáo hạn và niềm tin vào sự phục hồi của thị trường.

Sự tăng trưởng này kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng như vay mua ô tô và mua sắm trả góp, vốn có biên lợi nhuận cao. Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công, tạo thêm cơ hội cho vay dài hạn vào các dự án hạ tầng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và cải thiện biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng.

Đồng tình, lãnh đạo Vietcombank dự báo tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Dự báo này dựa trên những chuyển biến khả quan của thị trường bất động sản, cùng với việc các vướng mắc pháp lý được đẩy nhanh giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Đồng thời, mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực này.

“Chúng tôi nhận định các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cấp vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nhằm tăng cường nguồn cung sản phẩm trong tương lai, qua đó thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà để ở cũng như đầu tư,” vị lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.

Tín dụng vẫn sẽ tập trung vào bất động sản

Dự báo cho năm 2025, chuyên gia của VinaCapital cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 15%, trong đó phân khúc khách hàng cá nhân với biên lợi nhuận cao được kỳ vọng tăng từ 12% năm trước lên 15%.

Việc mở rộng cho vay dài hạn thông qua các dự án hạ tầng tiếp tục hỗ trợ NIM, nhờ chênh lệch lãi suất giữa nguồn vốn huy động ngắn hạn và các khoản vay dài hạn. Sự phục hồi của bất động sản còn giúp giảm áp lực từ các khoản vay ưu đãi dành cho khách hàng khó khăn, đồng thời tăng cường tín dụng thực chất.

Theo VinaCapital, biên lãi ròng của ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng nhẹ trong năm 2025, với lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng 17%. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đối mặt với áp lực khi tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, đẩy lãi suất tiền gửi tăng cao. Sự mất giá của VNĐ trong năm 2024 (5%) cũng làm tăng chi phí huy động vốn, với lãi suất kỳ hạn 6 tháng được dự báo tăng thêm 50-70 điểm cơ bản.

Ngoài tín dụng vào các lĩnh vực truyền thống, NHNN đã yêu cầu 9 ngân hàng thương mại khẩn trương giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, được mở rộng từ gói 120.000 tỷ đồng. NHNN đồng ý loại trừ dư nợ của gói tín dụng này ra khỏi room tín dụng hàng năm để hỗ trợ các ngân hàng trong giải ngân cho vay nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, đây không phải yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy giải ngân. Thực tế, tỷ lệ giải ngân của gói này thấp là do nguồn cung thực tế khan hiếm, các vướng mắc trong quy trình phê duyệt vay vốn, và một số dự án không có nhu cầu vay. Hơn nữa, phần lớn các dự án này nằm ở ngoại ô, xa trung tâm, gây bất tiện cho người lao động tại đô thị. Ngoài ra, lãi suất cao và thời hạn vay ngắn càng khiến gói tín dụng kém hấp dẫn.