Cẩn trọng “tiền mất tật mang” từ những khóa học làm giàu trên mạng

Chuyên gia Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư tại Maybank Investment Bank cho biết, tư tưởng kiếm tiền dễ dàng hoặc chỉ cần một khóa học là đủ để làm giàu là điều khó xảy ra. Thay vì tiếp tục nuôi ảo tưởng, giới trẻ nên tập trung vào việc kiếm tiền từ chuyên môn và năng lực của chính mình.

Bị thu hút bởi khóa học làm giàu

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thu nhập của anh Bùi Huy Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội) giảm 30%. Đến nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Khi đang lo lắng về khoản nợ mua nhà cần trả góp 20 triệu đồng mỗi tháng, anh tình cờ xem được 1 clip clip trên TikTok nói về quản lý tài chính và đầu tư sinh lời.

Từ tình cờ xem được, anh Hoàng bị thu hút vào những bài học về quản lý tài chính cá nhân đến kinh nghiệm của "thầy" trong đầu tư. Anh dành nhiều thời gian cho các kênh này. Người tự xưng là "thầy" kể đã từ con số 0 trở thành triệu phú đô-la chỉ sau 3 năm nhờ đầu tư vào chứng khoán và tiền số.

Nhiều người dính bẫy lừa đảo khi tham gia các khóa học làm giàu

Tin tưởng vào "thầy" trong clip, anh quyết định đầu tư tiền tiết kiệm vào khóa học quản lý tài chính và đầu tư với giá 3.000 USD (khoảng 75 triệu đồng), mong muốn "khai mở tư duy làm giàu" như quảng cáo. Trong mỗi buổi học, anh Hoàng thường nhận được những thông điệp khuyến khích đầu tư vào một loại tiền ảo mới, với hứa hẹn "nhân 10 tài khoản trong vòng 1 năm". Các giảng viên đưa ra biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng của những đồng tiền số nổi tiếng như Bitcoin, Ethereum nhằm kích thích người học.

Bị thuyết phục bởi những lập luận và lời hứa hẹn sinh lời, anh Hoàng vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng và người thân, quyết định "tất tay" vào đồng coin này với hy vọng sinh lời lớn. Nhưng sau khi dồn hết tiền, giá trị đồng tiền giảm liên tục. Hơn một năm sau, anh gần như mất trắng 500 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Chi - Trưởng phòng Tài chính cá nhân tại Công ty cổ phần FIDT cũng chia sẻ một câu chuyện tương tự mà khách hàng của bà gặp phải. Theo đó, vị khách này đã tham gia khóa học của một diễn giả nổi tiếng trong cộng đồng “dạy làm giàu”.

Sau khi tạo được lòng tin với học viên, diễn giả thông báo cần vốn để phát triển, rồi mời học viên như vị khách hàng đó tham gia góp vốn đầu tư và chia sẻ lợi nhuận. Khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn khoảng 2 tỷ đồng và trong 1 - 2 tháng đầu, tổ chức vẫn chi trả lợi nhuận đúng như cam kết. Tuy nhiên, sau hơn một năm, họ không còn nhận được lợi nhuận nữa.

Khi khách hàng yêu cầu lấy lại vốn, họ nhận được thông báo tổ chức đang gặp khó khăn tài chính và không thể chi trả. Dù đã tiến hành khởi kiện, tình hình vẫn bế tắc. Đáng chú ý, vị khách này không phải là người lớn tuổi mà là một người có kiến thức, hiểu biết và rất giỏi trong lĩnh vực của họ.

Bà Thùy Chi cho biết, hiện tượng bùng nổ các khóa học làm giàu "lùa gà" xuất phát từ nhu cầu nâng cao nhận thức tài chính cá nhân của người dân. Ngày càng nhiều người muốn tìm hiểu về đầu tư và tài chính để giải quyết vấn đề của mình. Xu hướng nghỉ hưu sớm và tự do tài chính cũng thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm thông tin về đầu tư, chứng khoán và làm giàu.

Tất cả những yếu tố này kết hợp lại đã tạo cơ hội cho các tổ chức lợi dụng nhu cầu đó để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia.

Nhiều người dính bẫy lừa đảo

Một khảo sát của Insider cho thấy ít nhất 34% người dùng Internet thuộc thế hệ Gen Z tin tưởng vào các hướng dẫn kiếm tiền online, trong khi chỉ 24% tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn tài chính chuyên nghiệp.

Theo một báo cáo từ Paxful (nền tảng giao dịch tiền số), trong hơn 1.200 video chứa lời khuyên tài chính trên TikTok, có đến 1/7 clip nội dung là phi lý và vô nghĩa. Đơn vị này cũng chỉ ra những thất bại của các phương pháp gia tăng thu nhập thụ động. Các chuyên gia tài chính chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, quảng cáo về cách kiếm tiền thụ động trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhiều người sẵn sàng bỏ việc và chỉ ngồi nhà thực hiện theo hướng dẫn của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư tại Maybank Investment Bank cho biết, sự phát triển của AI đã nâng cao tầm quan trọng của các khóa học làm giàu. Khi AI thay thế con người trong một số công việc, nhu cầu tìm kiếm các phương thức đầu tư trở nên mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia cũng cảnh báo những "thầy dạy làm giàu tự xưng" thường sử dụng những hình ảnh thành công và video truyền cảm hứng để dụ dỗ người khác. Bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với lòng tham của con người dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Theo ông, tư tưởng kiếm tiền dễ dàng hoặc chỉ cần một khóa học là đủ để làm giàu là điều khó xảy ra. Thay vì tiếp tục nuôi ảo tưởng, giới trẻ nên tập trung vào việc kiếm tiền từ chuyên môn và năng lực của chính mình.

Đối tượng Phạm Thanh Hải - tự xưng là "tiến sĩ dạy làm giàu" (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Thực tế ghi nhận cơ quan chức năng từng xử lý những người lợi dụng “dạy làm giàu” để chiếm đoạt tài sản. Điển hình như ngày 25/4/2023, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải (57 tuổi, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT), còn được gọi là "tiến sĩ dạy làm giàu", mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Hải đã tổ chức các hội thảo và lập trang "học làm giàu", tự xưng là tiến sĩ với khả năng đầu tư, kinh doanh. Công ty IDT triển khai các dự án hứa hẹn lợi nhuận cao, đặc biệt từ cây macca, nhằm thu hút nhà đầu tư. Để tạo niềm tin, ông Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất hấp dẫn từ 40 - 50% mỗi năm, cắt lãi ngay khi nhà đầu tư nộp tiền. Nhà đầu tư còn được khuyến khích mở rộng mạng lưới với tiền thưởng kết nối từ 2 - 10% trên mỗi hợp đồng.

Thông qua chiêu thức này, ông Hải đã huy động được hơn 2.725 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một phần rất nhỏ trong số vốn huy động được được sử dụng để đầu tư và vẫn chưa có lợi nhuận.

Cơ quan công an cảnh báo, những kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý muốn có "việc nhẹ lương cao", mời gọi mọi người chỉ cần dành 2 - 3 giờ mỗi ngày để lướt TikTok và làm theo hướng dẫn để kiếm thu nhập "khủng", có thể từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi ngày.

Những lời mời gọi này thường nhấn mạnh vào việc kiếm tiền đơn giản, làm tại nhà, thu nhập tốt và hoa hồng cao. Khi người tham gia đồng ý, thì sẽ được hướng dẫn xem video TikTok, like trang Facebook của nghệ sĩ qua một ứng dụng hoặc website trung gian, với các gói nhiệm vụ được đặt tên theo các cấp độ như vàng, bạc, đồng, kim cương hoặc VIP, tương ứng với mức giá từ vài trăm nghìn đến hàng trăm triệu đồng. Gói nhiệm vụ có giá cao thường yêu cầu xem nhiều video hơn, và hoa hồng cũng lớn hơn.

Sau khi mua các gói nhiệm vụ giá trị lớn, những ứng dụng và website lừa đảo thường ngừng hoạt động, gặp lỗi hoặc sập hẳn, khiến người tham gia không thể rút được tiền. Lúc này, các đối tượng môi giới cũng sẽ mất liên lạc, khiến người tham gia nhận ra mình đã bị lừa, tiền đã "không cánh mà bay".