Về thủ đoạn của hình thức lừa đảo kể trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, các đối tượng đã lập các website giả mạo, lấy hình ảnh người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng lớn (KOL) trong lĩnh vực game để thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Tiếp đó, kẻ lừa đảo sẽ đặt các quảng cáo về vật phẩm có giá trị cao, thông báo người chơi có 1 khoảng thời gian ngắn để có thể sở hữu các vật phẩm dùng trong game.
Theo đó, chúng sẽ yêu cầu những người tham gia cung cấp thông tin cá nhân đi kèm một số tiền nhất định.
Trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo còn dẫn dụ nạn nhân tải xuống các phần mềm, ứng dụng, tệp giả mạo… với chiêu trò dụ dỗ gia tăng trải nghiệm, cải thiện hiệu năng, giảm độ trễ… Các phần mềm giả mạo có chứa mã độc và virus sau khi được tải về sẽ đánh cắp toàn bộ các thông tin và dữ liệu trong thiết bị của người dùng.
Theo Cục An toàn thông tin, hiện nay cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp game, thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Để hấp dẫn người chơi, các vật phẩm ảo cũng được thiết kế để có thể quy đổi thành tiền mặt đã trở nên ngày càng phổ biến.
Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã tung ra các chiêu trò mới để chiếm đoạt tài sản của người chơi game. Đó chỉ là một trong số các thủ đoạn đã được phát hiện. Vì vậy, Cục khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo game trực tuyến; không truy cập vào các website vưới đường dẫn lạ; không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác thực tính chính thống của website.
Những người chơi game cần đặc biệt cẩn trọng với những lời mời chào, quảng cáo mang theo ưu đãi bất thường từ những nhà phân phối không rõ danh tính và không có liên kết với đơn vị phát hành game.
Đây không phải lần đầu tiên người chơi game trực tuyến trở thành đối tượng nhắm đến của những kẻ lừa đảo. Trước đó, truyền thông đã nhiều lần đưa tin và cơ quan chức năng cũng liên tục đưa ra các cảnh báo tới người dân. Hầu hết, các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng “đòn tâm lý” bằng cách cho người chơi liên tục thắng với số tiền thưởng lớn dần. Thậm chí, chúng còn khuyến khích người chơi mời thêm người mới tham gia để nhận được số tiền thưởng hấp dẫn hơn. Các đối tượng còn tạo ra giao dịch chuyển tiền giả để chứng minh cho người chơi để chứng minh rút được tiền sau chơi game là thật.
Sau cùng, khi số tiền mà người chơi nộp vào đã tương đối lớn, là lúc mà những kẻ lừa đảo “lặn mất tăm”.
Chính vì vậy, các khuyến cáo thường xuyên từ cơ quan chức năng vẫn là người dân nên tìm hiểu nguồn gốc, thông tin về các game online và giấy phép kinh doanh của đơn vị cung cấp trước khi tham gia các game “có vẻ lợi nhuận cao”.
Bên cạnh tình trạng nhức nhối về giả mạo người nổi tiếng để dụ dỗ các gamer, Cục An toàn thông tin tuần qua cũng ghi nhận tình trạng mạo danh cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội tới người dân.
Lợi dụng tâm lý nhiều người không nắm được quy trình xử lý phạt nguội của cơ quan chức năng, những kẻ lừa đảo đã mạo danh để gửi thông báo phạt nguội, đồng thời cho biết đã quá thời hạn xử lý nên đề nghị người dân cung cấp số biên bản. Nếu người vi phạm cho biết chưa nhận được biên bản, chúng sẽ yêu cầu người này cung cấp thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số CMTND/CCCD, số hộ chiếu, tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt… Cuối cùng, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản gửi tới.
Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin tiếp tục khuyến cáo người dân tỉnh táo khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính, thông qua những kênh chính thống, không cung cấp thông tin casnhaan cho bất kỳ ai và không truy cập vào các đường link lạ.
Trong trường hợp người dân vi phạm thực sự, cơ quan công an sẽ yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan công an nơi xảy ra vi phạm để làm việc.
Tiếp nữa, trong tuần qua không gian mạng Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự nhức nhối từ chiêu trò mời “làm nhiệm vụ online”. Công an tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn của một công dân cư trú tại xã Chơn Thành sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là mời gọi tải ứng dụng Telegram để tham gia xem và bình chọn phim online.
Theo Cục An toàn thông tin, với chiêu thức này, các đối tượng thường tạo lập những tài khoản mạng xã hội giả mạo thông qua Facebook, Zalo, Telegram, tự xưng là nhân viên hỗ trợ, mạo danh các công ty uy tín, dẫn dụ và hướng dẫn nạn nhân tham gia vào các ‘dự án’ hoặc nhiệm vụ nạp tiền nhận hoa hồng không có thật.
Sau khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, đến một số tiền lớn nhất định, đối tượng sẽ đưa ra hàng loạt lý do để nạn nhân không thể rút được tiền và chặn toàn bộ liên lạc.
Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp và tinh vi. Theo Cục, trong thời gian qua, mỗi tuần hệ thống kỹ thuật của NCSC tiếp nhận từ 400 - 500 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo, trong đó có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của các ngân hàng, trang thương mại điện tử… Việc mỗi người dân tự nâng cao trình độ, kiến thức, khả năng phòng chống lừa đảo mạng là hết sức cần thiết.