Chuyện của những người không ngủ tại chợ đầu mối độc đáo nhất Hà Nội

“Hàng hóa nhiều, các mối quen lại thúc giục nên mệt lắm cũng phải cố làm. Một năm chỉ có vài ngày, vất vả chút nhưng bù lại khi nhận tiền công xứng đáng. Vì thế, ai nấy đều phấn khởi”, chị Thủy, một phu hàng tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) chia sẻ.


Những ngày cận Tết, chợ đầu mối hoa quả Long Biên trở nên quá tải bởi lượng người và xe hàng đổ vể chợ tăng lên đột biến. Các tiểu thương và cả những phu hàng đều làm không ngớt tay, đặc biệt dường như với họ không có khái niệm ngày, đêm bởi ngày nào cũng bắt đầu công việc lúc 7h – 8h tối và kết thúc vào buổi sáng ngày hôm sau.

 

 

“Mệt lắm nhưng hàng nhiều quá, các “mối” quen gọi nhiều nên phải cố làm chị ạ. Tôi làm nốt ngày 28 Tết thì về quê kẻo gia đình sốt ruột” – chị Thủy, một thợ kéo xe tại chợ, quê Phú Thọ chia sẻ.
Chị Thủy cho biết, chị làm công việc này hơn 10 năm qua. Công việc tuy vất vả nhưng được nhận tiền luôn, việc đều và ổn hơn nhiều so với làm nông nghiệp.
“Tôi chuyên bốc hàng từ mối tấn (các đại lý chuyên bán số lượng lớn) trong chợ, sau đỏ trả hàng các mối nhỏ ở phía ngoài là các kho hoặc các xe thồ đã chờ sẵn. Trung bình được 100 nghìn/chuyến, giao hàng được nhận tiền luôn nên cũng ham”.

 

 

Cũng theo chị Thủy, những ngày thường thì việc chỉ túc tắc vừa làm vừa nghỉ nhưng khoảng 20 ngày cận Tết thì lượng việc tăng 3 – 4 lần. Thu nhập nhờ đó cũng tăng gấp nhiều lần.
“Trung bình mỗi đêm được khoảng 1,5 – 2 triệu đồng. Tôi bốc nhiều chuyến lắm, không nhớ xuể bao nhiêu chuyến. Các mối gọi nhiều, cứ xong đơn này đến đơn khác. Ngày nào cũng làm tới sáng mới hết hàng.
Nay đã là 27 Tết, thực sự rất mệt nhưng cả năm mới có vài ngày nên tôi cố nốt đêm nay và đêm mai rồi thu xếp về quê. Tôi đặt xe về quê vào 29 rồi” – vừa nhận tiền vừa cười, chị Thủy nói thêm.

 

 

 

 

Những người làm công việc này có cả nam và nữ, đa số họ đều trẻ và có sức khỏe tốt với tuổi trung bình từ 20 – 40 tuổi. Tuy nhiên, với Minh có lẽ em là người trẻ nhất chợ đang làm công việc này. Minh cho biết, năm nay em 17 tuổi, em đến từ Hưng Yên.
“Em làm công việc này được gần 1 năm. Những ngày thường, mỗi tháng em chỉ làm khoảng 4 – 5 đêm, là những phiên chợ cận ngày rằm và ngày mồng một; còn tháng giáp Tết có nhiều hàng nên ngày nào em cũng làm” – Minh nói.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên ai thuê gì em làm việc đó, như bốc hàng, phụ kéo và đẩy hàng. Công việc của Minh bắt đầu từ khoảng 8h tối đến 3h sáng ngày hôm sau. “Trung bình thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/đêm. Những phiên chợ cuối năm nhiều hàng nên thu nhập cũng cao lên” – Minh nói thêm.

 

 

 

Mới 17 tuổi, có phải em đã nghỉ học rồi chăng? Tôi thực sự bất ngờ với chiếc áo đồng phục phổ thông em mặc trên người và gương mặt còn đang “tuổi ăn tuổi ngủ”. Dường như hiểu được thắc mắc của tôi, Minh hồn nhiên chia sẻ: “Em đang học lớp 11 nhưng là trường vừa học vừa làm nên thời gian học không quá căng thẳng. Nhà em chỉ cách chợ khoảng 40 km. Xong việc, 4h sáng về tới nhà em ngủ bù và đi học buổi chiều. Hơn nữa, một tháng em chỉ làm thêm 4 – 5 buổi nên không ảnh hưởng quá nhiều”. 
Được biết, địa phương nơi em ở cũng nhiều người đang làm phu hàng tại đây. Theo chân người lớn gần 1 năm nên chàng trai 17 tuổi tỏ ra nhanh nhẹn và khá thành thạo các công việc.
“Mỗi tháng tiền công của em khoảng 2,5 – 3 triệu. Những ngày cận Tết, hàng nhiều, em tranh thủ đi làm đều hơn để tăng thêm thu nhập. Tiền công một phần phụ bố mẹ, một phần em mua sắm đồ dùng cá nhân”... – Minh cho biết.  
Tôi còn có một vài thắc mắc muốn hỏi thêm, nhưng câu chuyện phải dừng vì bất chợt có tiếng gọi, chàng trai trẻ vội vàng ra phụ một xe hàng lên dốc rồi di chuyển ra khỏi chợ. 

 

 

 

“Phụ thuộc vào các xe hàng, khi nào có hàng về thì tôi ra nhận lúc đó, bất kỳ lúc nào. Chuyến sớm nhất là 8h tối, muộn nhất có hôm là 2 – 3h sáng. Ngày nào tôi cũng nhận 4 – 5 chuyến, có khi nhận hàng ở cổng chính, có khi là cổng phụ cũng có lúc phải nhận ở những kho khác cách xa tới vài km”, ông Duy (50 tuổi) - chủ một shop hoa quả trên địa bàn quận Ba Đình cho hay.
Cũng theo người đàn ông này, ngày Tết là dịp cao điểm nhất trong năm. Khách thường mua sắm rất nhiều loại để bày biện mâm ngũ quả, nên cửa hàng của ông bán đa dạng các mặt hàng để mọi người tiện lựa chọn, như bưởi, cam canh, dưa vàng, dứa, xoài, dừa xanh, đu đủ, táo, lê,...
Được biết, trung bình mỗi đêm ông Duy nhập khoảng 5 - 6 tấn hàng các loại. Hàng tươi và cồng kềnh, lại đóng thùng nên người đàn ông này phải đi lại nhiều lượt để vận chuyển hết các đơn hàng về shop. 
Gọi là “shop” nhưng thực tế cũng chỉ là gian kiot chừng 10m2 chỉ dành để bán hàng, còn nhà ở là một nơi khác, cách cửa hàng chừng hơn 1km.

 


“Thường xuyên đi đêm, lại có nhiều hàng họ, nên để đỡ buồn tôi luôn mang bạn “Gộc” theo cùng làm vệ sĩ” – vừa nói ông chủ 50 tuổi vui tính vừa chỉ sang chú chó trằng ngồi trên thùng hàng.
Công việc vất vả mưu sinh, để kịp có đủ các mặt hàng hoa quả tươi bày bán mỗi khi sớm mai tại các shop và các chợ dân sinh, thì trước đó là công sức của rất nhiều người.
Tại miền Bắc, tiết trời những ngày cận Tết rất khắc nghiệt. Những người lao động ở chợ đầu mối Long Biên thường xuyên phải làm việc dưới trời gió, sương và cả mưa lạnh.
"Bản thân là người đi lấy hàng, phải thức khuya thường xuyên, mình đã thấy vất vả. Tuy nhiên, công việc của mình chỉ là nhận hàng và vận chuyển bằng xe nên đơn giản hơn rất nhiều. Những người làm cửu vạn, phu hàng họ phải khuân vác nặng, làm thường xuyên từ khuya tới sáng thì thực sự gian nan hơn rất nhiều. Có những hôm xe hàng bị tắc đường hoặc gặp sự cố đến không đúng giờ, mọi người vẫn phải chờ đợi bất kể giá rét hay mưa"...  ông Duy nói thêm.

 

 

Hồng Hương
Thành Trung