Trái phiếu xanh được hiểu là một công cụ để huy động vốn như các loại trái phiếu khác, chỉ có khác là số tiền thu về từ phát hành trái phiếu xanh phải được dùng để thực hiện cho các dự án xanh. Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng bền vững.
Theo ghi nhận dữ liệu của Fiin Group, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3.300 tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp 3 lần quy mô 1.100 tỉ USD từ tháng 12/2019. Sau châu Âu, ASEAN + 3 (cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm 15,3% tổng số toàn cầu.
Tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” , ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings cho biết, sự thành công của việc thâm nhập của thị trường trái phiếu bền vững tại các khu vực châu Á là nhờ chính sách chỉ đạo từ trên xuống. Trong đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có nhiều sự hỗ trợ cần thiết về chính sách cũng như tạo ra cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp, nhà phát hành tiếp cận kênh huy động vốn tiềm năng này.
Ở Việt Nam, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần lượng vốn trung bình là 20 tỉ USD/năm. Do đó, giới chuyên gia nhận định, thị trường trái phiếu xanh trong nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu huy động vốn.
“Sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh là tương đối khiêm tốn, chủ yếu doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup, EVN, BIDV...mới đáp ứng được các tiêu chí quốc tế và được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận xét tại Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách".
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế đang có khoảng 15,5 tỉ USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam nhưng lại chưa có danh mục dự án, chương trình cụ thể nào để họ “xuống tiền”.
Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên có sự chuẩn bị cho xu hướng thu hút huy động trái phiếu xanh ngay trong giai đoạn tới đây. Một chiến lược thích ứng về vốn, hướng tới vốn xanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết cho các doanh nghiệp tận dụng được "đòn bẩy" tài chính này để phát triển.
Khẳng định nhu cầu trái phiếu xanh ở trong nước là rất lớn nhưng theo đại diện một ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, việc thực thi sản phẩm vốn này đang gặp rất nhiều thách thức, lực cung không có, lãi suất giữa Việt Nam và thế giới chưa thuận lợi, các chi phí tư vấn luật lớn, thủ tục tương đối lâu, hành lang pháp lý chưa đủ, nhất là danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.
Nói về vấn đề này, TS. Cấn Lực khuyến nghị, phải có cơ chế đủ mạnh. Dẫn ví dụ về Trung Quốc, ông Lực cho biết, quốc gia này đã đi trước khoảng vài năm nhưng đã làm được một số vấn đề Việt Nam nên tham khảo: tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh được giảm lãi suất, lập quỹ phát triển xanh quốc gia, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường.
Chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển thị trường trái phiếu xanh, ông Jeffrey Lee cho biết, để Việt Nam bắt kịp tốc độ phát hành trái phiếu bền vững với các nước trong khu vực cũng như thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước là phải chỉ ra được cơ hội và thách thức mà các các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh gặp phải.
“Ngay từ ban đầu, chúng ta cần phải nhấn mạnh với họ rằng đầu tư vào trái phiếu xanh là một sự đầu tư dài hạn. Mặc dù ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng lợi ích của đầu tư vào trái phiếu xanh trong dài hạn là rất lớn”, ông Jeffrey Lee chia sẻ.
Ông Jeffrey Lee khẳng định, với cam kết về tầm nhìn dài hạn của trái phiếu xanh, Việt Nam hoàn toàn có thể định vị mình là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính bền vững, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng không quên giải quyết các thách thức về môi trường xã hội. Cách tiếp cận toàn diện nà không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả quốc gia, đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng.