Công ty mẹ của TikTok phủ nhận kế hoạch sản xuất chip tự thiết kế

Sau nhiều thông tin đồn đoán, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance - chủ sở hữu TikTok đã lên tiếng phủ nhận thông tin về kế hoạch thiết kế và sản xuất hai loại chất bán dẫn vào năm 2026 nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Nvidia.

"Gã khổng lồ" công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, đang điều hành Douyin - ứng dụng “chị em” của TikTok tại Trung Quốc cho biết, các sáng kiến của họ trong lĩnh vực bán dẫn "đang trong giai đoạn đầu, tập trung vào việc tối ưu hóa chi phí cho các đề xuất, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh khác”.

ByteDance cho biết thêm, tất cả các dự án chip của họ đều "tuân thủ các quy định kiểm soát thương mại có liên quan".

ByteDance mới đây đã lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng, họ đang có kế hoạch sản xuất những con chip AI cho riêng mình.

Phản ứng này được đưa ra sau khi trang tin công nghệ The Information của Mỹ đưa tin, ByteDance đang có kế hoạch hợp tác với Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới, để sản xuất hàng loạt hai chất bán dẫn 5 nanomet do kỳ lân Trung Quốc này thiết kế.

Theo báo cáo, những nỗ lực đó nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của ByteDance vào Nvidia để chống lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ đã ngăn Nvidia xuất khẩu sang Trung Quốc một số bộ xử lý đồ họa tiên tiến nhất của mình như A100 và H100. Đây là những thành phần được săn đón để đào tạo các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Để phục vụ khách hàng Trung Quốc, công ty chip AI hàng đầu thế giới này đã đưa ra các giải pháp thay thế như H20.

Trụ sở chính của Nvidia tại Santa Clara, California, Mỹ.

Theo báo cáo của The Information, trích dẫn một nguồn tin giấu tên, ByteDance đã chi 2 tỷ USD cho hơn 200.000 đơn vị H20 trong năm nay. Theo báo cáo, bằng cách thiết kế chip đào tạo và suy luận của riêng mình, sau đó thuê một xưởng đúc để sản xuất chúng, ByteDance có thể tiết kiệm được hàng tỷ USD.

Liên quan đến các tin đồn, TSMC cũng đã từ chối bình luận.

ByteDance lần đầu tiết lộ, họ đang tiến vào lĩnh vực bán dẫn vào năm 2021 và đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực chip AI. Theo báo cáo của Reuters vào tháng 6, công ty đã hợp tác với nhà thiết kế chip Broadcom của Mỹ để sản xuất bộ xử lý AI 5 nm.

ByteDance cũng đã đầu tư vào một số công ty thiết kế chip của Trung Quốc, bao gồm InnoStar Semiconductor vào tháng 3, Silicon Integrated vào năm 2022 và Moore Threads Technology được Mỹ cấp phép vào năm 2021.

Tính đến thứ Tư, trang web chính thức của công ty đã đăng hơn 260 việc làm liên quan đến chất bán dẫn. Việc đầu tư cho AI và bán dẫn đang là xu hướng mà không chỉ ByteDance mà bất kỳ “ông lớn” công nghệ nào cũng đang hướng tới. Trong cuộc đua đó, ai nắm giữ những con chip hàng đầu chắc chắn sẽ có lợi thế hơn hẳn. Ở thời điểm hiện tại, ByteDance đã phủ nhận kế hoạch sản xuất các con chip của riêng mình, nhưng tương lai điều này hoàn toàn có thể thay đổi.