Điểm mạnh về hạ tầng
Trong báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, từ năm 2023 thị trường bất động sản khu vực Nam Hà Nội đang dần lấy lại vị thế, trở thành một trong những khu vực sôi động bậc nhất Thủ đô. Động lực thúc đẩy thị trường này bức phá chính là điểm mạnh về hạ tầng.
Theo quy hoạch của Hà Nội, giai đoạn 2024 – 2025, thành phố sẽ dồn sức để các huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì lên quận. Để đạt kế hoạch đề ra, một trong những biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất chính là đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa bàn này. Thanh Trì từ lâu đã rất phát triển, nếu được đẩy mạnh đầu tư thì sẽ nhanh chóng thay da đổi thịt, bứt phá trông thấy. Thị trường bất động sản nơi đây cũng trở nên có sức hút hơn bao giờ hết.
Hiện nay, huyện Thanh Trì đã đạt 27 trên tổng số 31 tiêu chí để trở thành quận. Trong đó, đặc biệt Thanh Trì đã hoàn thành các tiêu chuẩn về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển tương lai.
Các chuyên gia đánh giá, khi một huyện chuyển lên quận thì một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản là việc tái cấu trúc sử dụng đất. Khi đó, diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, đất dịch vụ thương mại, đất dịch vụ. Như vậy, sẽ hình thành các đô thị thông minh, các trung tâm thương mại…bộ mặt của địa phương đó sẽ thay đổi nhanh chóng.
Song song với quá trình chuyển mình từ huyện lên quận, khu Nam Hà Nội đang chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Dự án đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên) là minh chứng tiêu biểu cho điều này.
Đây là tổ hợp giao thông trọng điểm, vừa phục vụ cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam vừa là điểm trung chuyển giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị, tạo thuận lợi cho việc kết nối vùng. Theo kế hoạch, trong năm 2024 dự án này sẽ hoàn thành và có thể đưa vào khai thác. Khi đó, sẽ cải thiện khả năng kết nối, đồng bộ về giao thông và tạo ra làn sóng mới đối với thị trường bất động sản nơi cửa ngõ Thủ đô.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đề xuất xây dựng thêm nhà ga đường sắt tốc độ cao tại Phú Xuyên. Dự án này không chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng sân bay thứ hai của thủ đô mà còn hỗ trợ cho việc phát triển các khu đô thị vệ tinh khu Nam Hà Nội. Khi những dự án này đi vào hoạt động, Nam Hà Nội sẽ trở thành một trong những khu vực sôi động bậc nhất thành phố.
Trước đó, Hà Nội đã chọn khu vực phía Nam làm Cảng hàng không quốc tế thứ 2. Cảng này sẽ nằm ở gần trục cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5B, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam. Dự kiến, năm 2030, dự án Cảng hàng không này sẽ được khởi công.
Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, khi cảng hàng không thứ 2 được xây dựng sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội. Rõ ràng, việc cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông không chỉ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, mà còn tăng giá trị của bất động sản trong khu vực.
Lọt top thị trường sôi động của Thủ đô
Mỗi khu vực quanh lõi Thủ đô đều có những tiềm năng và thế mạnh của riêng mình, khu Nam Hà Nội cũng hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển thị trường bất động sản bền vững. Cửa ngõ phía Nam của Thủ đô được đánh giá là cơ hội đầu tư hấp dẫn, đón đầu làn sóng phục hồi thị trường.
Đánh giá về thị trường bất động sản Nam Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội cho biết, vốn là một trong những khu vực nhà ở chính, tập trung đông dân cư tại Hà Nội do lợi thế về kết nối hạ tầng, thuận tiện giao thông với các quận huyện và vùng.
Trong vài năm trở lại đây, các công trình hạ tầng giao thông chính như đường Vành đai 2 trên cao, cầu Vĩnh Tuy 2 (đang triển khai), giúp các dự án nhà ở xung quanh các công trình hạ tầng này tăng giá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc nguồn cung nhà ở khan hiếm trong thời gian qua sẽ giúp giá bán nói chung ở Hà Nội và khu vực phía Nam có sự tăng giá trong thời gian tới.
“Mặt khác, khu Nam Thủ đô do có đặc tính là cửa ngõ nên dễ thu hút lượng cầu từ các địa phương khác tới Hà Nội. Nguồn cầu ở khu vực phía Nam phần nhiều tập trung vào dòng sản phẩm trung bình, vừa túi tiền”, bà Nguyễn Hoài An phân tích.
Cùng chung nhận định, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội phân tích, nguồn cung tương lai trong ngắn hạn tại huyện Thanh Trì được ghi nhận là chưa nhiều. Dự báo nguồn cung tại huyện này sẽ xuất hiện nhiều sau năm 2025 đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề và phân khúc căn hộ trong dự án.
Ngoài nhu cầu để ở, bất động sản vẫn được nhìn nhận là một kênh đầu tư nhưng đầu tư mang tính chất dài hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng: tuyến metro và các đường vành đai khi được hoàn thiện sẽ thúc đẩy xu hướng dịch chuyển dần ra ngoài trung tâm. Đây là thời điểm lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản Hà Nội, và là địa điểm phù hợp cho những cư dân muốn tìm một địa chỉ "đáng sống" hơn cho mình và gia đình.
Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Quy hoạch mở thêm trục đường vành đai 3.5 và vành đai 4 đi qua các địa phận phía Nam Hà Nội như huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên,… những khu vực này cộng hưởng kết nối kinh tế giữa Hà Nội với các vùng Nam Bắc Bộ như: Hà Nam, Thanh Hoá,… đầu cửa ngõ vào của khu vực miền Trung. Cho nên, khu vực phía Nam Hà Nội đang chiếm vị trí khá quan trọng trong vai trò giao thương phát triển kinh tế. Hơn nữa, hiện nay tốc độ phát triển của khu vực này đang được đẩy lên cao trào, nhiều dự án về phát triển khu kinh tế, về hạ tầng đô thị,… nên có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, khu vực này còn nhiều dư địa phát triển do trước giờ chưa được đầu tư nhiều, quỹ đất còn rộng lớn. Tôi cho rằng khu vực phía Nam Hà Nội sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới và sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư chất lượng cao".