Tính đến phiên giao dịch ngày 7/8, giá vàng miếng SJC đang được các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC bán ra ở mức 79 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng so với phiên 6/8. Ở chiều mua vào, Công ty SJC và các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết mức giá 77 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm 1,3 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn được giao dịch tại 75,9-77,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm khoảng 350.000 đồng ở chiều mua và 150.000 đồng ở chiều bán ra.
Giá vàng khó giảm lâu
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.386 USD/ounce, giảm 18 USD/ounce so với phiên 6/8. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp sau khi đạt mức cao 2.477 USD/ounce vào ngày 2/8. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới tương đương 73,09 triệu đồng/lương, thấp hơn giá vàng SJC bán ra cuối ngày 7/8 là 5,1 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là 3,5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.
Theo lý giải của các chuyên gia, việc giá vàng thế giới giảm mạnh hiện tại là phản ứng ngược của thị trường vàng khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu rơi vào suy thoái. Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ cho thấy, thị trường lao động suy yếu đáng kể, với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, đã làm gia tăng lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế.
Tuy nhiên, vàng sẽ không thể giảm sâu mà còn nhanh chóng quay đầu tăng trở lại, khi hàng loạt dữ liệu kinh tế gần đây ủng hộ. Đơn cử, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.
Mới đây, JP Morgan đã nâng dự báo giá vàng sẽ tăng lên 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.600 USD/ounce vào năm 2025. Dự báo giá vàng này được dựa trên ước tính lạm phát cơ bản của Mỹ giảm xuống còn 3,5% trong năm 2024 và 2,6% vào năm 2025.
Từ diễn biến của giá vàng thế giới, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thông thường đà tăng giảm của giá vàng trong nước phần lớn do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Do đó, vàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Hiện tại, không có một yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng.
Bên cạnh đó, thị trường vàng Việt Nam cũng sẽ chịu tác động lớn từ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hiện, các ngân hàng trung ương cũng đang mua vàng dự trữ, đặc biệt là khối đồng tiền chung BRICS cùng với một số tài sản khác, để thay thế dự trữ quốc gia thay vì giữ tài sản được định nghĩa bảng USD. Những động thái này sẽ đẩy nhu cầu vàng toàn cầu lên cao, kéo theo giá vàng trong nước tăng theo.
Nhu cầu về vàng vẫn ở mức cao
Trong thời gian qua, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc neo giá vàng vào một mức nhất định là rất rủi ro, thay vào đó, nên để thị trường tự điều chỉnh theo cơ chế cung cầu.
Hiện, thị trường vàng trong nước đang xảy ra tình trạng “mua khó, bán cũng khó”. Các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội và TP.HCM luôn rơi vào tình trạng ảm đạm. Trong gần 2 tháng nay, các cửa hàng đều thông báo không có vàng miếng SJC, đăng ký mua online tại các đơn vị của NHNN cũng hết sức khó khăn, vàng nhẫn cũng chỉ được bán vào khung giờ cố định và cũng hết rất nhanh.
Ngay cả chiều bán, cũng trở nên khó khăn khi các cửa hàng đều yêu cầu có hóa đơn mới đồng ý mua và phải để lại thông tin cá nhân khiến nhiều người e ngại. Việc khó khăn trong mua bán tại các đơn vị kinh doanh được cấp phép, đã khiến cho thị trường “chợ đen” âm thầm hoạt động.
Bề ngoài, các cửa hàng này cho biết họ không mua, không bán vàng miếng SJC mà chỉ mua - bán các loại vàng, bạc nữ trang, các loại nhẫn tròn đủ kích thước. Nhưng khi khách hàng ngỏ ý muốn giao dịch lượng lớn đều được đáp ứng với mức giá chênh hơn so với niêm yết vài triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II/2024 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với 26 tấn. Điều này cho thấy nhu cầu về vàng của người dân vẫn ở mức rất cao.