Điểm đặc biệt của chiếc vé tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Vé ở tuyến Nhổn - ga Hà Nội có nhận dạng khách hàng, giúp hạn chế tình huống cho người khác mượn vé. Đây cũng là điểm khác biệt, cũng là ưu điểm của hệ thống này.

Miễn phí 15 ngày đầu vận hành

Từ 8h hôm nay (ngày 8/8), đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5km, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại, phục vụ hành khách.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại từ ngày 8/8 (Ảnh: SGGPO)

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoạn trên cao này gồm 8 ga từ S1 đến S8, lần lượt là: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc Gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. 3 tháng đầu, hàng ngày đơn vị vận hành sẽ mở tuyến từ 5h30 và kết thúc vào lúc 22h, tàu chạy đều đặn 10 phút/chuyến.

Riêng ngày đầu tiên vận hành hôm nay, tàu bắt đầu đón khách lúc 8h. Sau đó, tùy nhu cầu hành khách, đơn vị vận hành sẽ điều chỉnh lại thời gian cho phù hợp để phục vụ tốt nhất hành khách trên tuyến.

Sơ đồ lộ trình tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội

Đặc biệt, 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được miễn phí vé theo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội. Qua 15 ngày, giá vé tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy được quy định 8.000 đồng cho đi một chặng ga và 12.000 đồng/lượt đi cả tuyến. Vé ngày có giá 24.000 đồng, sử dụng cả ngày và không hạn chế số lượt đi.

Vé tháng có giá 200.000 đồng/tháng, ưu tiên học sinh, sinh viên với mức 100.000 đồng/tháng. Nếu người dân mua tập thể và không thuộc đối tượng ưu tiên, giá vé tháng là 140.000 đồng. Ngoài ra, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người trên 60 tuổi, người khuyết tật được miễn phí vé.

Giao diện máy bán vé tự động tại nhà ga Nhổn - Ga Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân/Dân trí)

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng cho hay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến hướng tâm, chạy từ khu vực ven thủ đô vào sâu nội thành. Dự án được kỳ vọng giúp giảm áp lực ùn tắc cho giao thông Hà Nội.

Để tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách, dọc trục metro này có 36 tuyến buýt đang hoạt động. Trong đó, 33 tuyến trợ giá, 3 tuyến không trợ giá, 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn....

Điểm khác của 2 tuyến metro

Dấu mốc vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã kết thúc chuỗi ngày "đơn độc" của tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Sự bổ trợ giữa 2 tuyến metro được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân có thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên 2 tuyến metro vẫn có một số điểm khác biệt.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro (đơn vị được giao tiếp nhận vận hành tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội) cho biết, điểm khác biệt thứ nhất là về sức chứa. Cả hai tuyến đều có 4 toa, nhưng metro Cát Linh - Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, gồm cả ngồi và đứng (tỷ lệ ghế ngồi là 144/960, chiếm 15%). Còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội chỉ có sức chứa 944 hành khách, gồm cả đứng và ngồi (tỷ lệ ghế ngồi là 94/944, chiếm 10%).

Hệ thống thu vé tự động, khi đến ga bất kỳ của tuyến, hành khách có thể chọn mua nhiều loại thẻ/vé (Ảnh: VTCNews)

Thứ hai, tàu đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tốc độ lớn hơn so với tàu Cát Linh - Hà Đông. Do tốc độ lớn nên tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội khi khởi hành sẽ hơi giật.

Thứ ba, trong quy trình tác nghiệp, tới mỗi bến, lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông đều phải đi ra một lần (vừa quan sát an toàn vừa chống ngủ gật). Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội có nút chống ngủ gật và camera nên lái tàu không phải rời vị trí khi đến ga.

Vé tàu điện hình tròn, in biểu tượng Khuê Văn Các

Thứ tư, hệ thống thu soát vé tự động tại tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ bố trí một bên, còn metro Nhổn - ga Hà Nội được bố trí cả hai bên. Đặc biệt vé ở tuyến Nhổn - ga Hà Nội có nhận dạng khách hàng, giúp hạn chế tình huống cho người khác mượn vé. Đây cũng là điểm khác biệt, cũng là ưu điểm của hệ thống này.

Theo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua ngày 29/3, Hà Nội định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, so với quy hoạch cũ tăng 4 tuyến.

Trong khi đó, đề cập tại dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, Hà Nội vạch ra lộ trình đến năm 2030, thành phố phấn đấu xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 96,8km đường sắt đô thị. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 14.602 tỷ USD.