Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô: Vì sao tổng mức đầu tư giảm hơn 2.000 tỷ đồng?

Sau khi TP. Hà Nội cùng Bắc Ninh, Hưng Yên rà soát và cân đối lại thì tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô được điều chỉnh giảm 2.129 tỷ đồng.

Liên quan tới việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, sáng 3/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với UBND TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các bộ, ngành. Tại đây, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương chủ động, linh hoạt trong xử lý những vấn đề liên quan tới điều chỉnh vốn đầu tư các dự án thành phần trong dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô theo đúng thẩm quyền.

Đại diện TP. Hà Nội cho biết, sau khi rà soát, dự án thành phần giải phóng mặt bằng (dự án 1.1) trên địa bàn giảm 650 tỷ đồng, dự án xây toàn tuyến cao tốc (dự án thành phần 3 theo phương thức PPP) giảm 3.319 tỷ đồng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên quan tới dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Ảnh: Minh Khôi - VnE)

Trong khi đó, dự án giải phóng mặt bằng tại Bắc Ninh (dự án 1.3) lại tăng 1.240 tỷ, còn ở Hưng Yên (dự án 1.2) tăng 600 tỷ đồng. Với phần vốn tăng cho 2 dự án giải phóng mặt bằng ở Hưng Yên và Bắc Ninh, lãnh đạo hai tỉnh này cho biết sẽ bố trí ngân sách địa phương để bổ sung.

Như vậy sau khi Hà Nội rà soát, cân đối và thống nhất với hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thì tổng mức đầu tư của dự án giảm khoảng 2.129 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư.

Cũng trong cuộc họp, Hà Nội đề xuất điều chuyển phần vốn giảm trong dự án thành phần 3 (giảm 3.319 tỷ đồng) để đầu tư một số nhánh kết nối tại 5 nút giao liên thông và 2 cầu vượt để đảm bảo thông đoạn đường song hành.

Dự án có tổng mức đầu tư giảm khoảng 2.129 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư (Ảnh: Ngọc Trang - Kinh tế đô thị)

Hà Nội cũng đề xuất tiểu dự án đầu tư công xây các cầu: Mễ Sở, Hồng Hà, Hoài Thượng; một số đoạn tuyến trong dự án thành phần 3: trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7km trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để trong trường hợp dự án thành phần 3 chưa hoàn thiện vẫn đảm bảo nối thông toàn bộ đường song hành.

Phó Thủ tướng yêu cầu, UBND Hà Nội tiếp tục rà soát, làm rõ cơ cấu tỷ lệ tham gia của phần vốn Nhà nước đối với dự án thành phần 3, bao gồm cả tiểu dự án đầu tư xây dựng các cầu và một số đoạn tuyến. Bên cạnh đó làm việc và thống nhất với Hưng Yên, Bắc Ninh đề xuất điều chuyển phần vốn của Trung ương giảm trong dự án thành phần 1.1 sang dự án thành phần 3.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm tư vấn khi xác định chưa chính xác, đầy đủ diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng khiến dự án phải điều chỉnh lớn về kinh phí.

Phối cảnh dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Cao tốc Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112,8km, tổng mức đầu tư sơ bộ 85.800 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua TP. Hà Nội dài 57km, Hưng Yên dài 19km, Bắc Ninh 27km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7 km. Trên tuyến đường, đoạn đi thấp dài khoảng 32km, đoạn trên cao hơn 80km. Đường có 6 làn xe với hệ thống đường song hành 2 bên, tốc độ thiết kế 100km/h. Trên tuyến có hành lang cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt vành đai.

Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có 7 dự án thành phần được vận hành độc lập do Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản. Trong đó 3 dự án giải phóng mặt bằng, 3 dự án đầu tư đường song hành có nguồn vốn đầu tư công, riêng dự án xây dựng đường cao tốc được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hướng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Đồ họa: Đỗ Nam - VnE)

Dự kiến trong tháng 10/2024, dự án thành phần 3 sẽ phê duyệt phát hành hồ sơ mời thầu, tổ chức mời thầu vào tháng 12/2024. Tới tháng 1/2025 hoàn thành đánh giá kỹ thuật, đánh giá tài chính thương mại, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Đến tháng 2/2025 nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án, đàm phán ký kết hợp đồng BOT.

Tiếp theo, để triển khai tiểu dự án đầu tư công, nhà đầu tư cần triển khai hoàn thiện, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công theo Luật Đấu thầu để khởi công dự án. Thời gian này cần tối thiểu 3 - 6 tháng.

Căn cứ vào tiến độ kể trên thì sớm nhất quý 3/2025 mới có đủ cơ sở tạm ứng, thanh toán phần vốn ngân sách Nhà nước cho nhà đầu tư.