Giá cả âm thầm tăng, bữa cơm của nhiều gia đình càng thêm èo uột

Chị Minh Anh chia sẻ, cuối năm ngoái, cầm 200.000 đồng vào siêu thị còn mua được 1kg thịt heo, thêm một bó rau, 2 miếng đậu hũ và chút hoa quả theo mùa để ăn tráng miệng. Còn giờ, vẫn số tiền ấy nhưng không thể mua được như vậy.

Giá cả âm thầm tăng

Chị Nguyễn Thị Minh Anh (quận Phú Nhuận, TP. HCM) chia sẻ, là người chi tiêu hàng ngày cho gia đình nên chị nắm rõ vật giá đã leo thang. Như cuối năm ngoái, chị cầm 200.000 đồng vào siêu thị thì có thể mua được 1kg thịt heo, thêm một bó rau, 2 miếng đậu hũ và chút hoa quả theo mùa để ăn tráng miệng.

Nhưng giờ, với số tiền ấy, chị không thể mua đủ các món trên. Bởi giá thịt heo đã tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg, còn rau cỏ cũng đắt lên trông thấy... Giá thực phẩm tăng nhưng thu nhập vẫn vậy, nên chị đành phải mua ít đi.

Xu hướng tăng giá hàng hóa hiện hữu từ quý II/2024

Chị Minh Anh chia sẻ, ngày 1/7 vừa qua, lương cơ sở tăng nhưng chị không thuộc diện tăng lương. Do vậy, khi vật giá leo thang chị chỉ có thể co kéo các khoản chi trong nhà với nhau sao cho phù hợp nhất.

Chị Phạm Thị Thu Hiền (quận Tân Bình, TP. HCM) cũng cho hay, hầu hết các mặt hàng thực phẩm giá đều cao hơn trước, ngay cả gạo cũng tăng. Loại gạo mà gia đình chị thường mua đã tăng giá từ 14.000 đồng/kg lên 19.000 đồng/kg. Chị Hiền thở dài nói, chị đi chợ mỗi ngày mà thấy mặt hàng này tăng kéo theo cái khác cũng tăng theo. Như can dầu ăn vẫn mua đã tăng giá từ 140.000 đồng lên hơn 150.000 đồng/5 lít, mì tôm cũng tăng thêm một hai chục nghìn. Thay vì mất tầm 100.000 đồng cho bữa ăn mỗi ngày, bây giờ chị phải chi khoảng 120.000 đồng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Chinh (quận 3, TP. HCM) cho biết, chi phí mua sữa của gia đình đã đội lên mấy tháng qua. Từ đầu tháng 4, sữa trẻ em mà anh vẫn mua cho con đã tăng giá từ 520.000 đồng/lon thiếc 500gram lên 559.000 đồng/lon. Còn sữa mua bổ sung dinh dưỡng cho cha mẹ cũng tăng giá từ 600.000 đồng/lon lên 669.000 đồng/lon.

Nhiều gia đình phải co kéo lại mới đủ chi phí sinh hoạt

Muôn kiểu giảm chi tiêu

Chị Nguyễn Thị Thu Nga (27 tuổi, nhân viên truyền thông, quận 5, TP. HCM) cho biết, với mức thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, trước đây gia đình chị khá thoải mái trong chi tiêu nhưng giờ phải "co kéo" mới đủ. Ví dụ như, quán phở quen chị hay ăn mới tăng giá từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/bát, quán cà phê quen thuộc cũng thấy tăng từ 39.000 đồng lên 43.000 đồng/ly.

Nếu như trước thì chị thích lúc nào sẽ ghé qua các địa chỉ quen trên lúc ấy. Nhưng giờ, chị phải tính toán rõ ràng, tiền ăn sáng 1 tuần là bao nhiêu, tiền đi quán cà phê thế nào… Tất cả đều phải liệt kê rõ ràng để không bị tiêu lố, thâm hụt vào chi phí sinh hoạt của gia đình.

Anh Lê Văn Tiến (Bình Tân, TP. HCM) bất ngờ khi chủ quán bún thông báo sẽ tăng giá thêm 5.000 đồng lên 50.000 đồng/bát từ ngày 1/8. Anh là “khách ruột” của quán đã 3 năm. Chủ quán nói với anh, nhiều nguyên liệu thời gian qua tăng mạnh, ngay giá nhập bún đầu vào cũng rục rịch nâng lên khiến giá một bát bún không thể giữ như ngày xưa.

Nguyễn Phương Chi (24 tuổi, quận 5, TP. HCM) chưa lập gia đình. Nhưng vài tháng gần đây, Chi đã hạn chế mua sắm đồ đạc, quần áo. Chi cho biết, thu nhập của cô cũng thuộc tầm trung, lại chưa có gia đình riêng phải chăm lo nên cô tiêu pha rất rủng rỉnh. Cô thường ăn ngoài, thích món đồ nào là mua luôn.

Nhưng vài tháng nay, cô nhận thấy nhiều hàng hóa đã tăng giá. Cô phải chi nhiều hơn, luôn có cảm giá trong ví không có tiền. Thế nên từ đầu tháng 7, thay vì ăn cơm quán, buổi tối cô dành thời gian nấu ăn cho cả ngày hôm sau. Cô cũng giảm không đi xem phim, tới quán cà phê. Còn tập gym, cô cũng chọn chỗ giá rẻ. Chi cho hay, giờ cô sẽ tiết kiệm hơn trong chi tiêu.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, xu hướng tăng giá đang hiện hữu từ quý II/2024.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chi phí tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12/2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, trong bối cảnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, để kiểm soát lạm phát thì cần có các giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền nhận thức, kinh tế, tài chính, hành chính - pháp lý cùng với các chủ thể có liên quan. Nhà nước cần có nguồn hoặc cơ chế dự trữ hàng hóa đáng kể để cung ứng ra thị trường vào thời điểm cần thiết. Hình thành cơ chế giá trần phù hợp với những mặt hàng thiết yếu. Tăng cường hiệu năng quản lý thị trường khi có hiện tượng đầu cơ tăng giá hoặc tăng giá không đủ cơ sở và căn cứ phù hợp...