Nỗi lo đảm bảo an toàn đô thị khi hàng loạt cây cổ thụ đã già cỗi

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn 12 quận hiện có hơn 8.000 cây cổ thụ. Đặc biệt, trong đó còn có những cây cổ thụ đã bước sang tuổi già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém. Cây bắt đầu bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão.

Cây đô thị đã vào độ già cỗi

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo hiện trạng hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thủ đô. Đáng lưu ý trong báo có này có nêu, thống kê sơ bộ trên địa bàn 12 quận có khoảng hơn 8.000 cây cổ thụ. Đây là những cây có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm (tính từ gốc lên 1,3m).

Đặc biệt, trong đó còn có những cây cổ thụ đã bước sang tuổi già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém. Cây bắt đầu bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão.

Hàng cây cổ thụ ở Hà Nội

Trong đó có những loài được coi là đặc trưng của Hà Nội với số lượng lớn như: Xà cừ khoảng 10.400 cây, hoa sữa khoảng 14.400 cây, phượng vĩ 16.000 cây, bằng lăng khoảng 17.500 cây, sấu khoảng 26.400 cây, muồng khoảng 12.500 cây, sao đen khoảng 1.800 cây…

Mỗi chủng loài lại làm nên đặc trưng cho từng tuyến phố của thủ đô như hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc; xà cừ ở phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung; cây sấu ở đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong; phượng vĩ ở phố Lý Thường Kiệt…

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2020 đến nay, khoảng 140.000 - 150.000 cây bóng mát được cắt tỉa mỗi năm trên toàn địa bàn thành phố. Hệ thống cây bóng mát sau khi được cắt tỉa về cơ bản đã đảm bảo an toàn, hạn chế bị gẫy đổ trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, công tác cắt tỉa cây bóng mát đôi khi còn chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và khả năng tạo bóng mát.

Quá trình chăm sóc, duy trì cây bóng mát chưa áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Công tác cắt tỉa chủ yếu đảm bảo an toàn cho người dân, phòng chống thiên tai mà chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, tính thẩm mỹ, trang trí đô thị và chưa có biện pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.

Ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, thành phố cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây xanh già cỗi. Ngoài ra, cũng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tránh các trường hợp "bức tử" cây.

Cần hài hòa giữa bảo vệ cây cổ thụ và an toàn của người dân

Sau vụ gãy cành làm chết người tại công viên Tao Đàn, không chỉ TP. HCM mà Hà Nội cũng tăng cường rà soát tình trạng cây xanh trên địa bàn. Nhất là khi Hà Nội cũng từng có sự cố cây cổ thụ gãy đổ do mưa bão.

Cây cổ thụ đổ do mưa dông

Như vào tháng 4 vừa qua, sau cơn giông lớn kéo dài khoảng 1 tiếng, tại phố Quán Sứ, Tràng Thi ghi nhận ít nhất có 3 cây cổ thụ bật gốc. Trong đó, có cây đã đổ vào xe ô tô ven đường làm hư hỏng phần đầu. Trên phố Bà Triệu, Nhà Chung… cũng có cây đổ, nhưng may mắn không có thiệt hại về người và tài sản.

Liên quan đến sự phát triển của cây, tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, khi cây xanh đạt tuổi đời theo cơ chế sinh học sẽ tự hủy. Tức là, các tế bào sẽ chết, liên kết gỗ không còn dẫn cây dần chết. Dù có được chăm sóc tốt thế nào, quá trình này cũng không thể thay đổi.

Theo một số chuyên gia, cây cổ thụ là di sản đô thị, nhưng cũng dễ gãy đổ vì đã già. Do đó, việc ứng xử với cây cổ thụ trong đô thị để bảo tồn vốn quý này cần cụ thể hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Chi (khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. HCM) cho biết, tại Singapore, để bảo vệ cây, nhà chức trách đã khoanh vùng đường có cây cổ thụ và vùng cây di sản cần bảo tồn, đồng thời tạo quỹ chăm sóc đặc biệt. Mỗi cây (nhất là cây trăm tuổi) được khảo sát kỹ, lập hồ sơ quản lý và chăm sóc theo cách riêng. Theo thạch sĩ Chi, dù chúng ta chưa có điều kiện tương tự, nhưng cũng cần hướng tới việc này.

Trong khi đó, kiến trúc sư Trình Phương Quân, người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các dự án kiến trúc, quy hoạch ở Việt Nam và Singapore chia sẻ, về nguyên tắc, cây trồng đô thị cần được chăm sóc, cắt tỉa, theo dõi và thay thế dần khi già cỗi. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu nào chi tiết và cụ thể việc cây bao nhiêu tuổi nên được thay thế.

Kiến trúc sư Quân nhấn mạnh, cây xanh đô thị là tài sản quý giá, cần được bảo vệ, nhưng yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, cần sớm có cơ chế quản lý, phát triển hài hòa các mục tiêu.