Giải pháp nào để hạn chế cây xanh đô thị gãy, đổ làm thiệt hại người và tài sản?

Sau sự cố cây xanh gãy nhánh gây chết người tại TP. HCM, vấn đề chăm sóc, quản lý cây cổ thụ ở đô thị đặc biệt được quan tâm. Nhiều lo ngại, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn vì ở nhiều đô thị lớn trên cả nước đều có những hàng cây trăm tuổi.

Những hàng cây trăm năm tuổi

Sự cố gãy cành cây tại công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM) đã khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương đã dấy lên lo lắng tình trạng cây xanh gãy, đổ gây thiệt hại về người và tài sản tại các đô thị.

cay-tia-cay-1-1723380725.jpg
Sự cố cành cây gãy khiến 5 người thương vong ở công viên Tao Đàn

Điển hình như Hà Nội và TP. HCM đều có những hàng cây xanh vài chục năm tuổi, thậm chí cả trăm năm tuổi. Hiện nay, trên các tuyến phố chính của 12 quận tại Hà Nội có khoảng 100.000 cây xanh với đường kính lớn. Số lượng cây cổ thụ có đường kính hơn 50cm chiếm khoảng 40%. Với những cây này, muốn chặt hạ hay dịch chuyển phải xin cấp phép hoặc báo cáo UBND thành phố.

Hà Nội cũng có nhiều cây di sản, những cây có tuổi đời hơn 100 năm tập trung chủ yếu ở các tuyến phố như: Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, một số tuyến phố cũ như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, xung quanh khu vực Bờ Hồ như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ.

Còn tại TP. HCM, nhiều tuyến đường có cây xanh lâu năm như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Ba Tháng Hai, Trần Quang Khải, Nguyễn Tri Phương, Trương Định… Công viên có nhiều cây xanh lâu năm có thể kể đến như Gia Định, Tao Đàn, Văn Lang...

Với những đô thị lớn, hàng cây cổ thụ không chỉ mang lại cảnh quan đẹp mà còn là “lá phổi xanh” giúp cải thiện chất lượng không khí. Do đó, việc bảo vệ những hàng cây này là nhiệm vụ quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, công tác chăm sóc cây xanh cổ thụ luôn được ưu tiên. Với những cây bóng mát, tùy vào chủng loại sẽ thực hiện 2 năm cắt sửa một lần, hoặc 5 năm cắt sửa 2 lần, kể cả những cây đô thị và cây cổ thụ.

Với những cây cổ thụ, việc thực hiện công tác cắt sửa khó khăn hơn vì đường kính và chiều cao lớn, do đó việc cắt sửa, chặt hạ phải cần sử dụng các xe có độ cao lớn thực hiện. Thêm nữa, với những cây cổ thụ có đường kính lớn bị chết hay sâu mục thì Sở Xây dựng phải xin phép UBND thành phố hoặc báo cáo UBND thành phố để thực hiện công tác cấp phép xử lý.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, về vấn đề chăm sóc, duy tu cây xanh cổ thụ, đơn vị có kế hoạch đánh giá, thay thế cây xanh trên đường phố cũng như công viên nói chung. Đồng thời cũng có kế hoạch từng bước đánh giá cây nào già cỗi, có dấu hiệu xuống sức để đốn hạ, thay mới. Việc này được thực hiện thường xuyên hàng năm.

cay-tia-cay-3-1723380968.jpg
Cắt sửa cây giúp giảm tình trạng gãy, đổ

Muốn hạn chế sự cố do cây xanh thì luôn phải rà soát

Những hàng cây xanh lâu năm quý giá nhưng dù được chăm sóc tốt thế nào cũng sẽ già đi theo đặc tính và tới lúc nào đó cây sẽ chết. Thế nên, tai nạn do cây xanh trong đô thị vẫn xảy ra. Riêng tại TP. HCM, từ năm 2020 đến nay, đã có 6 người thiệt mạng và hơn chục người bị thương vì cây xanh ngã đổ, gãy cành.

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. HCM cho biết, đơn vị luôn phải đánh giá cây xanh lâu năm có dấu hiệu sâu bệnh gì không. Khi các kết quả cho thấy cây không chịu được thì đốn hạ. Thực tế, có những cây rất lớn nhìn xanh tốt nhưng tuổi đời đã hết nên phải đốn hạ để phòng ngừa rủi ro.

Sau sự cố tại công viên Tao Đàn, tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho rằng, không vì một sự cố mà cắt bỏ cây xanh vô tội vạ. Nhưng cây xanh lâu năm vẫn cần phải có kế hoạch khảo sát, thay mới khi cây tới tuổi. Cây xanh cũng như con người, tới một độ tuổi nhất định sẽ có hư hại, khiếm khuyết hay chết vì già.

Ông Thuận cho biết, khi cây xanh đạt tuổi đời theo cơ chế sinh học sẽ tự hủy. Các tế bào sẽ chết, liên kết gỗ sẽ không còn dẫn đến một cành cây bị chết khô, dần dần cả cây chết. Trong môi trường đô thị, cây không đạt được tuổi đời tối đa như ngoài tự nhiên. Do đó phải có tổng rà soát lại hệ thống cây xanh lâu năm, từng cây, thậm chí là từng cành nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Nói về giải pháp giảm thiểu cây gãy đổ, ông Nguyễn Đức Mạnh cho hay, cần thực hiện một số giải pháp: Thứ nhất, công tác kiểm tra đánh giá tình trạng chất lượng cây phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ.

Thứ hai, cây phải được cắt tỉa thường xuyên, nhờ đó toàn bộ các cành sâu mục, cành yếu, có nguy cơ gãy đổ, gây nặng tán, nghiêng tán… được loại bỏ. Đây là phương án phòng ngừa rất hiệu quả. Thứ ba, với những cây có nguy cơ cao như bị nghiêng, bị sâu mục thì phải được xử lý thay thế ngay.

Ông Mạnh cho biết thêm, trên địa bàn Hà Nội, việc thực hiện rà soát các cây bóng mát trên địa bàn được tiến hành thường xuyên theo công tác tuần đường chứ không phải trước hay sau mùa mưa bão. Hàng ngày, các đơn vị quản lý địa bàn đều thực hiện tiến hành rà soát các cây bóng mát.