Hà Nội: Nhà siêu mỏng, siêu méo hết cơ hội tồn tại

Theo quy định mới ban hành của UBND TP Hà Nội, những mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m2, mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là 3m sẽ không còn được tồn tại. Điều này được cho là giúp giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND, quy định rõ việc xử lý các trường hợp đất ở không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh.

Nhiều trường hợp không đủ điều kiện tồn tại

Cụ thể, những thửa đất có diện tích dưới 15m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu dưới 3m và không có lối đi sẽ bị xem là không đủ điều kiện tồn tại. Đối với đất khác, các thửa đất dưới 50m2 cũng không được chấp nhận.

Theo quyết định này, nếu người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện sẽ hướng dẫn họ hợp thửa đất với các mảnh đất lân cận hoặc thực hiện việc chuyển nhượng. Đối với trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đủ điều kiện cấp, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục.

Thời gian hoàn thành việc hợp thửa đất là 180 ngày cho đất phi nông nghiệp và 90 ngày cho đất nông nghiệp, tính từ thời điểm có thông báo thu hồi đất. Nếu quá trình hợp thửa không thực hiện được, UBND cấp huyện sẽ quyết định thu hồi đất và bồi thường theo quy định. Những thửa đất không đủ điều kiện tồn tại sẽ bị thu hồi để đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, phù hợp quy hoạch và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Có nhiều ngôi nhà không khác gì một bức tường nhưng nếu nhà phía sau muốn mua lại phải trả một mức giá khá "chát"

Việc này nhằm khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ xuất hiện sau quá trình mở rộng đường tại Hà Nội. Những ngôi nhà có kiến trúc kỳ dị, với mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ bất hợp lý, làm xấu mỹ quan đô thị, sẽ không còn tồn tại.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên toàn thành phố hiện có khoảng 192 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, giảm mạnh tập trung chủ yếu ở những quận như Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân​…Những căn nhà này thường xuất hiện sau các dự án mở đường, mở rộng nút giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng đô thị.

Nhiều phần đất sau khi bị thu hồi chỉ còn sâu 0,5m nhưng có mặt tiền dài; hoặc mảnh đất có hình tam giác 3 cạnh với chiều sâu 2m, nơi nông nhất chỉ 30cm, được các chủ đất xây dựng lên tạo thành nhà siêu mỏng, siêu méo. Tình trạng những ngôi nhà có mặt tiền rất nhỏ chỉ 1 – 2m, có hình dạng bất thường cũng không hiếm ở Hà Nội, gây mất mỹ quan đô thị.

Theo một số chuyên gia, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội đã trở thành vấn đề đáng lo ngại từ gần 30 năm nay. Sở dĩ những căn nhà này vẫn còn tồn tại là bởi trong quy chuẩn Việt Nam, để được cấp phép xây dựng, các khu quy hoạch mới phải đảm bảo diện tích lô đất tối thiểu là 36m2, khu đô thị cũ là 25m2. Thế nhưng, việc mở đường dựa trên cơ sở nền của các thửa đất được công nhận từ hàng chục năm về trước, khiến những ngôi nhà hình dạng “lạ” này xuất hiện càng nhiều.

"Nút thắt" đã được cởi

Anh Nguyễn Văn Mạnh (40 tuổi, cư dân ở quận Đống Đa, Hà Nội) và cũng là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng, cho rằng sự tồn tại của các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo chủ yếu do việc phối hợp chưa đồng bộ và kịp thời giữa các cơ quan chức năng trong việc lập dự án mở rộng đường. Việc không có phương án xử lý cho các ô đất không đủ điều kiện xây dựng đã dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá trị đất trước và sau khi mở đường, gây khó khăn trong việc thỏa thuận hợp thửa giữa các hộ dân.

Anh Mạnh nhấn mạnh rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân thỏa thuận hợp thửa, hợp khối. Nếu chính quyền không can thiệp hiệu quả, việc này sẽ trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân là do các hộ dân phía ngoài có xu hướng xây dựng tường đặc hoặc nhà siêu mỏng để tận dụng lợi thế kinh doanh và ép giá với các hộ dân ở lớp trong.

Dù đã có quy định nhưng viếc sử dụng những mảnh đất siêu nhỏ sau thu hồi này thế nào cũng là bài toán nan giải

Đơn cử như câu chuyện khi tuyến phố Xã Đàn (quận Đống Đa) mở rộng, nhà phía trước còn lại phần đất có chiều dài 5m nhưng chiều sâu là 0,3m, chỉ như một bức tường nhưng nếu nhà phía sau muốn mua lại phải trả mức giá 10 tỉ đồng.

Ngược lại, những hộ dân ở lớp trong lại thờ ơ với sự can thiệp của chính quyền, tin rằng ô đất sẽ thuộc về họ để xây dựng hợp khối với công trình hiện có mà không cần tốn công sức thỏa thuận. Sự không thống nhất cộng với việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương tại một số nơi đã khiến các công trình siêu mỏng, siêu méo vẫn tiếp tục xuất hiện.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, những quy định mới sẽ giúp loại bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, từ đó cải thiện mỹ quan đô thị. Thời gian qua, việc quy hoạch chi tiết và cụ thể chưa được chú trọng, dẫn đến bộ mặt đô thị trở nên lộn xộn và thiếu trật tự. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lưu ý, dù đã có quy định nhưng viếc sử dụng những mảnh đất siêu nhỏ sau thu hồi này thế nào cũng là bài toán nan giải.

Trước đó, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã đưa ra đề xuất nhằm hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Thay vì thu hồi đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để sử dụng cho các công trình công cộng như vườn hoa hoặc bảng tin… Thậm chí, có thể xem xét thu hồi thêm từ 10 – 15m phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng những ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao phù hợp với quy hoạch, sau đó tiến hành bán đấu giá.