Hà Nội: Những "sáng kiến" di chuyển có một không hai trong mùa mưa lũ

Những ngày qua, nước lũ dâng cao khiến nhiều khu vực của Hà Nội bị ngập sâu trong nước. Để di chuyển, người dân các vùng ngập lụt đã phải tìm nhiều cách, nhưng có lẽ độc đáo nhất là chiếc bè ghép bằng các thùng tôn và thanh gỗ, dùng cán chổi di chuyển của một cựu binh.

Bè tự chế từ thùng tôn, dùng chổi làm chèo

Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip với tiêu đề: "Anh bộ đội công binh hơn 30 năm tự chế bè đưa vợ qua "sông Cổng" ghi lại cảnh một người đàn ông cho vợ thử nghiệm chiếc bè tự chế di chuyển trên sân nhà ngập sâu trong nước. Người đăng tải clip là chị Nguyễn Khánh.

Chị Khánh cho hay, clip trên được quay tại nhà của bố mẹ chị ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Do ảnh hưởng của mưa bão, thôn xóm nơi chị và người thân sinh sống bị ngập, nước dâng cao từ 30cm - 70cm. Nước có chỗ ngập ngang bụng nên các gia đình chủ yếu ở trong nhà. Việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.

Chiếc bè tự chế được kết từ thùng tôn và thanh gỗ

Thấy việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, bố của chị Khánh đã chế ra một chiếc bè bằng cách ghép các thùng tôn và thanh gỗ có sẵn trong nhà.

Chị Khánh bảo, bố chị từng là bộ đội công binh. Ông là một người khéo léo nên thường tự sửa chữa đồ dùng trong gia đình. Khi mới làm xong, bố chị quyết định thử nghiệm độ thăng bằng xem bè có di chuyển thuận tiện không.

Chị Khánh đã quay video làm kỉ niệm, rồi chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người sau khi xem video không khỏi bất ngờ trước sự khéo léo, sáng tạo của bố chị Khánh. Một số người còn gửi lời hỏi thăm tình hình gia đình chị trong những ngày bị ảnh hưởng bởi lũ.

Theo chị Khánh, chiếc bè tự chế này được dùng để di chuyển hoặc vận chuyển đồ đạc giữ những khu vực không bị ngập. Nếu có người kéo thì bè sẽ di chuyển dễ dàng hơn, nhưng người ngồi trên bè cũng có thể tự đẩy bằng gậy hoặc chổi cán dài.

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều khu vực tại huyện Quốc Oai bị ngập lụt nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân. Trong hoàn cảnh này, người dân các vùng ngập lụt đã phải tìm nhiều cách để thích ứng, phổ biến nhất là sử dụng các thùng nhựa, thùng tôn, thùng xốp kết hợp với tre, gỗ… để di chuyển.

Bắt cá giữa đường, trên sân nhà

Những ngày lũ về, xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) ngập từ 60cm - 1,2m. Nơi đây có 133 hộ dân sinh sống. Vì đã quen với cảnh ngập lụt mỗi khi sông Tích dâng cao, nhiều gia đình chuẩn bị sẵn xuồng, thuyền gỗ để di chuyển. Khi nước ngập, nhiều người còn tranh thủ đi bắt cá trên đường để cải thiện bữa ăn hoặc đem bán.

Mẻ cá ông Bến bắt được (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh)

Ông Hoàng Văn Bến (60 tuổi) cũng như vậy, khi thường xuyên chèo xuồng, mang lưới đi thả trên các con đường làng, ven sông và cả những khu vực đường chính dẫn lên bờ đê.

Sau hơn 2 tiếng chèo xuồng len lỏi qua các con đường ngập nước trong xóm và lối đi chính dẫn ra bờ đê, ông Bến trở về ngôi nhà nhỏ ở đầu xóm Bến Vôi. Chiếc xuồng được ông chèo đến sát cổng nhà, rồi dùng dây buộc cố định vào cổng. Bước xuống sân nhà đã ngập nước đến bắp chân, ông cẩn thận nhặt từng con cá bỏ vào bao tải dứa. Gần đó, một chiếc túi lưới to chứa đầy các loại cá ông vừa đánh bắt được.

Số cá ông bắt được khoảng gần 20kg. Nhiều hôm, cá bắt về đều tăm tắp, ông Bến dự đoán đó là những con cá trong ao nuôi, gặp nước lạ theo đàn bơi ra ngoài. Số cá ông bắt về được bán ngay tại cổng nhà cho các hộ dân trong xóm, hoặc con cái ông đem vào trung tâm xã bán. Ông Bến chia sẻ, mấy chục năm sống ở vùng này, sau hai trận lụt năm 2008 và 2018, đây là lần ông thấy xóm ngập sâu nhất.

Chiều muộn, anh Hoàng Văn Tuấn (42 tuổi) cũng vừa kéo chiếc chậu trở về nhà sau khi bán hết số cá anh bắt được cách đó vài tiếng. Anh Tuấn cho hay, cá lạc vào đường làng, thậm chí tràn cả vào sân nhà. Mưa ngập ai cũng bắt được nhiều cá, vì thế giá bán chỉ từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng/kg tùy loại.

Nhà có 2 ao cá, bà Hoàng Thị Hoa (xóm Bến Vôi) lo lắng khi nước đã mấp mé bờ. Trước đó, vợ chồng bà đã mua lưới giăng khắp bốn bờ. Tuy nhiên, Hà Nội liên tục mưa lớn, nước dâng cao. Bà lo sợ những tấm lưới này không đủ chắc chắn, cá sẽ theo dòng nước mà ra ngoài. Bà tiên lượng khả năng mất trắng 2 ao cá này vì lâu lắm mới có trận ngập sâu và nhanh đến vậy.

Theo nhiều người dân địa phương, khi nước ngập, cá từ các ao nuôi và sông ngòi có thể trôi vào các con đường làng, sân nhà. Việc bắt cá trở nên dễ dàng, nhiều mẻ cá đều lớn và tươi ngon. Nhưng dù có lộc trời cho, ai cũng mong nước nhanh chóng rút để cuộc sống trở lại bình thường, giảm thiểu thiệt hại.