Ngày 13/9, một số khu vực bị ngập của Hà Nội đã bắt đầu rút nước. Người dân cũng theo đó cấp tập dọn dẹp để ổn định lại cuộc sống. Như tại phường Tứ Liên (Tây Hồ), nước rút đến đâu, người dân hối hả vệ sinh nhà cửa, trường học, cơ quan đến đó.
Trường mầm non Tứ Liên đã huy động 100% cán bộ, giáo viên đến dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi nước rút. Bà Trần Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường mầm cho biết, thấy nước bắt đầu rút xuống sân, nhà trường nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh và tiến hành khử khuẩn. Dự kiến thứ 2 tuần sau, học sinh có thể tới trường.
Bà Thu - một người dân địa phương cho biết, mấy chục năm rồi, bà mới lại thấy nước lũ lớn như vậy. Dù đã có chuẩn bị trước, nhưng gia đình bà không tránh khỏi thiệt hại. Từ trưa nay, thấy nước ở sàn nhà rút, bà vội lấy rễ khuấy nước để đánh tan bùn, đặc biệt là ở các ngóc, ngách nhỏ hẹp. Như vậy, việc dọn dẹp sẽ đỡ vất vả hơn. Bà mong nước lũ không lên nữa để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Tại khu Chương Dương Độ, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm)… nước bắt đầu rút, để lại bùn đất, rác thải ngập ngụa. Các hộ gia đình cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, đường sá. Thấy nước rút, nhiều gia đình phải đi chạy lũ cũng đã quay trở về để vệ sinh nhà cửa
Cố gắng đẩy rác thải ra khỏi nhà khiến người ông Trần Văn Chung (Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm) ướt sũng, lấm lem bùn. Ông Chung chia sẻ, để khắc phục thiệt hại lần này, người dân Chương Dương Độ có lẽ phải mất đến cả tuần.
Người dân phường Phúc Tân cũng cùng chung tay dọn dẹp đường phố sau lũ. Trong các con ngõ nhỏ, người dân chủ động nhặt rác trên mặt nước và các khe cống. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (phường Phúc Tân) cho biết, từ đêm qua, khi thấy nước rút, bà cùng nhiều hộ dân đã tập trung thu dọn đường phố, nhà cửa.
Bà bảo, những ngày nước ngập, cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn. Có người leo lên tầng 2 ở, phó mặc đồ đặc ở tầng 1 chìm trong nước. Chỗ thì ngập hết cả nhà, người phải khẩn cấp di tản đến nhà người thân tạm trú… Giờ nước rút, cả khu chung tay dọn dẹp để quay trở lại cuộc sống bình thường.
Đại diện UBND phường Chương Dương cho biết, trong sáng nay phường đã huy động toàn bộ lực lượng ở các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên, tổ dân phố... để hỗ trợ người dân dọn dẹp rác thải, bùn đất.
Sáng ngày 13/9, chuyên gia Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mực nước lũ trên hầu hết các sông ở miền Bắc đang có xu thế xuống.
Tuy nhiên, quá trình thoát nước, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn có thể diễn ra nhiều ngày tới tại các vùng trũng, thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương.
Dự báo trong 12 giờ tới (tính từ 9h sáng nay), lũ trên sông Lục Nam xuống dưới mức báo động 3. Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3. Còn lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống mức báo động 1.
Với khu vực ngoài đê sông Hồng, ông Đại nhận định, nước sẽ rút sau 2 - 3 ngày tới. Tuy nhiên, với vùng trũng thấp ở Chương Mỹ có thể lâu hơn như ven sông Bùi sẽ mất từ 10 - 13 ngày, ven sông Tích khoảng 7 - 10 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ từ 3 - 5 ngày.
Thời gian rút nước tại khu vực ven sông hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương) dự báo sẽ kéo dài hơn, trong khoảng từ 3 - 6 ngày tới.
Ông Đại lưu ý, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang ở mức cao nên vẫn còn nguy cơ ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê, kè tại các vị trí xung yếu thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ vẫn rất cao dù mưa đã giảm.
D.V (Tổng hợp)