Hà Nội: Toàn bộ 30 quận, huyện sẽ được ủy quyền cấp, đổi giấy phép lái xe

Ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở sẽ tiếp tục ủy quyền cho các địa phương, tiến tới toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã đều có thể tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

Chiều 30/5, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các cơ sở đào tạo về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý phương tiện và người lái. Tại hội nghị, vấn đề ủy quyền cấp giấy phép lái xe (GPLX) rất được quan tâm.

Theo đó, chủ trương ủy quyền cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho 9 quận, huyện được đánh giá là đúng đắn, người dân được hưởng lợi.

Hà Nội tiến tới toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã đều có thể tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong cấp, đổi giấy phép lái xe

Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết, huyện được Sở ủy quyền từ ngày 23/3. Sau hơn 2 tháng thực hiện, quận đã giải quyết được 598 bộ hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Ban đầu, cán bộ của bộ phận “một cửa” còn bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, song được sự hỗ trợ từ phía Sở nên đến nay cơ bản không còn vướng mắc. Người dân địa phương cũng rất phấn khởi khi không phải di chuyển xa để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe.

Còn đại diện bộ phận “một cửa” huyện Mỹ Đức cho biết, Mỹ Đức là 1 trong 2 địa phương đầu tiên (cùng huyện Đông Anh) được ủy quyền thực hiện cấp đổi, cấp lại GPLX (tháng 11/2023). Người dân địa phương rất mừng vì có thể trực tiếp làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe ngay tại huyện nhà. Thậm chí, người dân các huyện lân cận thuộc tỉnh Hòa Bình cũng đến đây nộp hồ sơ.

Ngoài những thuận lợi, đại diện nhiều địa phương cũng nêu khó khăn còn tồn tại. Như đại diện huyện Mỹ Đức chia sẻ, Chính phủ khuyến khích thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và thanh toán không dùng tiền mặt khi làm thủ tục cấp, đổi GPLX nhưng hầu hết người dân trong huyện vẫn giữ thói quen đến làm thủ tục trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt.

Trên địa bàn huyện Mỹ Đức chỉ có duy nhất Bệnh viện Đa khoa huyện nhưng lại là bệnh viện hạng 2, không đủ điều kiện cấp giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe. Trong khi, một bệnh viện đa khoa tuyến huyện của tỉnh Hòa Bình lân cận lại được phép. Thành ra, người dân huyện Mỹ Đức phải di chuyển gần 30km để khám sức khỏe, rất vất vả. Đây cũng là vấn đề của một số huyện xa trung tâm khác.

Đại diện một số quận, huyện thì kiến nghị phân cấp, ủy quyền cần gắn liền bổ sung nguồn lực, kinh phí, thiết bị… nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân.

Nhiều người dân còn chưa biết có thể đổi giấy phép lái xe tại quận, huyện, thị xã (Ảnh: Tạ Hải)

Trước kiến nghị của các địa phương, ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đã báo cáo UBND thành phố phương án bổ sung nguồn lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt, ông Phong nhấn mạnh, từ hiệu quả bước đầu, Sở sẽ tiếp tục ủy quyền cho các địa phương khác, tiến tới toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã đều có thể tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong cấp, đổi GPLX.

Theo ông Phong, qua khảo sát, nhiều người dân nói chưa biết thông tin có thể làm thủ tục ngay tại huyện. Tới đây, Sở sẽ ban hành các bộ tài liệu, tờ rơi… hướng dẫn về cấp, đổi GPLX; tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các khu dân cư, tổ dân phố, thôn để người dân biết và thực hiện

Ông Lê Ngọc Diễn - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái cho biết, 5 tháng đầu năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp mới GPLX cho hơn 149.000 người. Trong đó, bộ phận “một cửa” của 9 quận, huyện được ủy quyền đã thực hiện cấp đổi được 10.374 giấy phép lái xe. Hơn 400 trường hợp được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.

Theo ông Diễn, Sở Giao thông Vận tải cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX, điển hình như chấm điểm bằng thiết bị tự động, camera giám sát việc thực hiện bài thi của học viên cũng như thực thi công vụ của sát hạch viên, quản lý danh sách dự thi và danh sách trúng tuyển… đảm bảo tính công khai và minh bạch.

Ngoài ra, việc giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua từ khâu tiếp nhận, bàn giao, thụ lý giải quyết đến trả kết quả và lưu trữ hồ sơ được thực hiện hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả.