Hàng vạn cư dân Khu đô thị Thanh Hà mòn mỏi chờ nước sạch
Do quá bức xúc về việc nước nhiễm bẩn nên từ cuối tháng 2/2024 đến nay, Ban Quản lý các tòa nhà thuộc Khu đô thị Thanh Hà (phường Phú Lương và Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) đã triển khai việc lấy chữ kí của cư dân để đổi nhà cung cấp nước.
Liên quan đến vụ việc hàng chục nghìn cư dân Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà viết đơn kêu cứu vì nước nhiễm bẩn, tại buổi họp ngày 13/10/2023 với Chủ đầu tư KĐT Thanh Hà (Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5), các đơn vị cấp nước và đại diện cư dân, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu Chủ đầu tư cải tiến, nâng cấp hệ thống khai thác nước ngầm, đảm bảo tiêu chuẩn mới trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, trao đổi với Đô Thị Mới ngày 13/3, anh Nguyễn Trọng Hướng (Cư dân tòa HH02 -1C KĐT Thanh Hà) cho biết hiện tại, dù đã quá thời hạn 2 tháng nhưng phía Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc cải tiến, nâng cấp hệ thống khai thác nước ngầm đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của Sở Xây dựng.
“Mặc dù cư dân đã nhiều lần yêu cầu phía Chủ đầu tư phải có công văn trả lời rõ ràng về việc cung cấp nước sạch cho KĐT nhưng đến nay, họ vẫn chưa có động thái gì. Thậm chí, đại diện cư dân đã không ít lần đến gặp Chủ đầu tư nhưng họ trốn tránh trách nhiệm, không ngồi lại đàm phán với chúng tôi”, anh Nguyễn Trọng Hướng bức xúc nói.
Cũng theo anh Nguyễn Trọng Hướng, do quá bức xúc về việc nước nhiễm bẩn nên từ cuối tháng 2/2024 đến nay, các tòa nhà trong KĐT Thanh Hà triển khai việc lấy chữ kí của cư dân để đổi nhà cung cấp nước (Ảnh do cư dân cung cấp)
Theo tìm hiểu, trong đêm 23/10, hàng nghìn người dân ở KĐT Thanh Hà đã đồng loạt ký tên vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới nhiều cơ quan, ban, ngành để phản ánh những vi phạm của Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà liên quan đến quy chuẩn, chất lượng nước sinh hoạt tại đây.
Đặc biệt, ngày 5/10/2023, nhiều cư dân sinh sống tại KĐT Thanh Hà xuất hiện triệu chứng nổi mẩn ngứa, phồng rộp da, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, buồn nôn, chóng mặt,…sau khi sử dụng nguồn nước được cấp. (Ảnh do cư dân cung cấp)
Theo kết quả thử nghiệm mẫu nước sau đó từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thì hàm lượng Amoni trong nước tại KĐT Thanh Hà ở ngưỡng 11,46 mg/lít, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép (0,3 mg/l - Theo TCVN 6179-1:1996). Không chỉ vậy, hàm lượng Clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
Bên cạnh đó, cư dân còn phản ánh vị trí của trạm khai thác nước ngầm Thanh Hà chỉ cách nghĩa trang khoảng 500 m và gần kênh nước có dấu hiệu ô nhiễm, ngập rác thải và bốc mùi hôi thối.
Ghi nhận thực tế, hiện tại toàn bộ các tòa nhà tại KĐT Thanh Hà đều treo băng rôn với nội dung: “Cư dân Thanh Hà cần nước sạch, cung cấp nước bẩn là tội ác”.
Do lo ngại về vấn đề sức khỏe nên nhiều cư dân phải mua nước bình từ nơi khác về sử dụng.
Qua khảo sát, trung bình một bình nước 16 lít có giá 50.000 đồng thì tại KĐT Thanh Hà, cư dân phải bấm bụng mua với giá 65.000 đồng.
Thay mặt cho mong muốn của hàng vạn cư dân tại KĐT Thanh Hà, anh Nguyễn Trọng Hướng bày tỏ: “Khu đô thị Thanh Hà có 26 tòa nhà, cao từ 6 đến 19 tầng, cùng các khu nhà biệt thự liền kề thấp tầng, với khoảng 30.000 dân đang sinh sống. Vì vậy, việc khắc phục sự ô nhiễm là vô cùng ấp thiết. Vấn đề nước bẩn kéo dài càng lâu thì chúng tôi càng mệt mỏi về tinh thần và sức khỏe. Hi vọng Chủ đầu tư sớm có phương án cung cấp nước sạch cho cư dân để chúng tôi yên tâm sinh sống và làm việc”.