Hệ luỵ xấu lan rộng khi giá nhà đất bị đẩy lên mức phi lý

Việc giá nhà đất tăng lên mức phi lý đang khiến nhiều người dân "làm cả đời không mua nổi 20m² đất", giới trẻ cũng dần mất động lực phát triển sự nghiệp, khi tốc độ tăng trưởng cá nhân không thể bắt kịp đà leo thang của giá bất động sản.

Tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng "thổi giá" và "phá đấu giá" đất đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế và xã hội.

Làm cả đời không mua nổi 20m² đất

Theo ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư huyện ủy Phúc Thọ, một số đối tượng đã thổi giá bất động sản tạo nên sốt ảo, khiến giá đất tại nhiều vùng quê tăng lên hơn 100 triệu đồng/m². Chẳng hạn như mới đây, huyện Thạch Thất tổ chức đấu giá đất với giá trúng cao nhất gần 200 triệu đồng/m².

Ông Hoàn cho rằng, dù khu vực này có nhiều làng nghề, nhưng giá đất chỉ khoảng 100 triệu đồng/m² là phù hợp. Đặc biệt, chỉ vài ngày nữa, các đối tượng trúng đấu giá sẽ lại bỏ cọc như đã từng diễn ra ở Thanh Oai, Hoài Đức.

Điều này gây ra lãng phí tài nguyên của thành phố. Thực tế, nhiều khu vực sau khi đấu giá đất xong lại bị bỏ hoang 10-15 năm, dẫn đến các khu đô thị "ma" không có người ở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của cả vùng.

“Với giá đất hiện nay, người dân đi làm cả đời cũng không mua nổi 20m² đất. Tôi cho rằng cần xây dựng quy chế đầu giá mới phù hợp hơn với tình hình thực tiễn”, ông Hoàn đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức tại phiên thảo luận tổ

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, năm 2024 xuất hiện hiện tượng bất thường, riêng tại Hà Nội, đó là "thổi giá" và "phá đấu giá" đất. Thậm chí, phiên đấu giá đất tại Sóc Sơn đã bị đẩy giá lên đến 30 tỷ đồng/m² rồi bỏ ngang, gây bất thường nghiêm trọng.Theo đó, chính quyền thành phố cần làm rõ động cơ của tình trạng thổi giá, khiến giá bất động sản tăng cao, làm người dân không thể mua đất.

"Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy có sự tham gia của nhóm lợi ích ở đây. Do đó, Công an TP cần điều tra và xử lý nghiêm tình trạng thổi giá đất, làm thất bại các cuộc đấu giá. Đồng thời, cần khơi thông thị trường BĐS và đưa giá đất về đúng giá trị thực," ông Đức nhấn mạnh.

Không chỉ giá đất đấu giá, nhóm lợi ích cũng xuất hiện trên cả thị trường chung cư khiến mặt bằng giá các căn hộ nhiễu loạn, nhất là tại Hà Nội. Nói rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, giá nhà tăng cao nhưng lượng giao dịch lại rất ít, có thể là biểu hiện của một chiêu trò không trong sáng.

Cũng theo ông Đính, các nhóm lợi ích này có thể thực hiện được chiêu trò thổi giá là do nguồn cung căn hộ chung cư đang gặp vấn đề. Trong vài năm trở lại đây, thị trường không có thêm dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư.Phần lớn các dự án hiện có trên thị trường đều là dự án cũ, được mua đi bán lại.

Giá nhà tăng cao làm nhụt ý chí giới trẻ

Một báo cáo mới đây của VARS cho thấy, khả năng chi trả nhà ở của người Việt đang giảm mạnh. Hiện nay, ngay cả nhóm thu nhập cao nhất (nhóm 5, chiếm 20% dân số) cũng khó mua nhà nếu áp dụng quy tắc chi phí nhà ở không vượt quá một phần ba thu nhập. Với thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng của một hộ gia đình nhóm 5 tại Hà Nội, số tiền tối đa có thể chi trả để mua nhà là 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, giá bán chung cư trung bình tại Hà Nội và TP.HCM dao động từ 40-70 triệu đồng/m², tương ứng với một căn hộ 60m² có giá 3,5 tỷ đồng. Việc vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà sẽ kéo theo chi phí trả góp hàng tháng khoảng 25-27 triệu đồng, vượt xa khả năng chi trả.

Trong khi đó, các chính sách mới về đất đai và nhà ở vừa được thông qua, như Nghị quyết về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, cơ chế thí điểm đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, hay việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến đáng kể trên thị trường.

Dù có nhiều nỗ lực điều chỉnh từ phía chính sách, việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn là một thách thức lớn

Thế nhưng, việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Một chuyên gia bất động sản tại TP.HCM đã dẫn ví dụ về một chuyên viên công nghệ 29 tuổi, dù tích lũy được 3,7 tỷ đồng vẫn không thể mua căn hộ hai phòng ngủ mà không phải vay nợ. Nếu vẫn quyết tâm mua, người này sẽ phải vay thêm khoảng 2 tỷ đồng.

Vị chuyên gia này cho biết, điều này đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ cơ hội đầu tư vào học tập hoặc phát triển sự nghiệp những yếu tố mang tính nền tảng cho tương lai lâu dài. Tuy nhiên, nếu sử dụng số tiền tích lũy để đầu tư vào bản thân hoặc khởi nghiệp, lợi nhuận thu về có thể không theo kịp tốc độ tăng giá chóng mặt của bất động sản. Chưa kể, kinh doanh luôn tiềm ẩn những rủi ro, với khả năng thất bại không hề nhỏ.

Cũng vị chuyên gia trên, điều đáng suy ngẫm là một bất động sản, vốn chỉ có chức năng để ở, nhưng lại đang gián tiếp kìm hãm sự phát triển và khát vọng của không ít người trẻ tài năng. Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, nơi được xem là tạo ra giá trị thực tế, mức lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt từ 10-30% mỗi năm.

Trong khi đó, giá bất động sản có thể tăng trưởng tương đương, thậm chí vượt xa con số này. Những chênh lệch như vậy đặt ra bài toán lớn cho nền kinh tế và những người đang tìm cách phát triển bản thân. Những chênh lệch như vậy đặt ra bài toán lớn cho nền kinh tế và những người đang tìm cách phát triển bản thân trong bối cảnh hiện nay.