Cụ thể, với chiêu trò lừa xem bói, giải hạn online dịp đầu năm mới, Cục an toàn thông tin cho biết, nhiều đối tượng đang lợi dụng các yếu tố tâm linh và tâm lý mong muốn có một năm mới bình an phát tài nên đang dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin vào xem bói online. Nhiều hội nhóm xem bói online trên mạng xã hội hiện đã có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Lợi dụng các diễn đàn này, các đối tượng sẽ phát đi các quảng cáo, mời chào. Chúng sử dụng những lời lẽ đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và muốn được giải hạn và khiến nhiều người lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Với hình thức lừa đảo này, Cục an toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không dễ dàng mù quáng tin theo các lời mời chào trên mạng liên quan đến tâm linh. Người dân cũng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội…
Bên cạnh chiêu thức lừa đảo xem bói, giải hạn online, tại thời điểm vừa qua Tết, chiêu thức giả mạo nhân viên nhà mạng, gọi điện thông báo nợ cước viễn thông cũng đang nở rộ tở lại. Theo đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cần thanh toán tức thì các khoản nợ nếu không sẽ xóa số thuê bao, tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa án.
Đáng lưu ý, khi nạn nhân phản ứng lại thông tin sai lệch, chúng cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin và ít ngày sau tiếp tục liên lạc, thông báo tài khoản cá nhân của chủ thuê bao đã bị sử dụng để làm những việc phi pháp, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản để điều tra…
Việc mạo danh nhân viên nhà mạng thông báo nợ cước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là chiêu thức mới, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin và chưa có phản xạ cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trực tuyến, Cục an toàn thông tin tiếp tục khuyến cáo người dân, khi gặp các vấn đề phát sinh trong quá tình sử dụng dịch vụ của các nhà mạng, cần liên hệ với đường dây nóng của nhà mạng hoặc đến các phòng giao dịch để được hỗ trợ, tư vấn, xử lý kịp thời. Người dân không nên chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại để tránh mắc phải các bẫy lừa đảo tiếp theo trong tương lai.
Cuối cùng là nguy cơ người dùng bị kiểm soát điện thoại từ số tài khoản ngân hàng. Theo Cục An toàn thông tin, bằng cách thử đăng nhập trên website ngân hàng và nhập sai nhiều lần, các đối tượng lừa đảo sẽ khiến cho số tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị khóa. Lúc này, chúng sẽ giả danh người của ngân hàng gọi điện để dẫn dụ nạn nhân bấm vào các đường link được cung cấp để tải ứng dụng giả mạo.
Thông thường, khi bị khóa tài khoản, nhiều người sẽ dễ hoảng loạn và tin theo lời của kẻ gian, dễ làm theo các yêu cầu của chúng. Nếu bấm vào các đường link được cung cấp, không chỉ tải xuống ứng dụng giả mạo, thiết bị của nạn nhân cũng có thể dính các loại mã độc, theo dõi và đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập ngân hàng gồm tài khoản, mật khẩu, mã OTP, thậm chí là chuyển tiền bằng sinh trắc học trên chính điện thoại của nạn nhân.
Cũng như với vấn đề của nhà mạng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi gặp vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng cần liên hệ với các kênh chăm sóc khách hàng chính thức của ngân hàng, không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai.