Khai hội Yên Tử: Khoảng 20.000 du khách đã đến chiêm bái

Yên Tử được coi là "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Thế nên với nhiều người, tới Yên Tử là đang hành hương về đất Phật. Ngay trong ngày khai hội xuân Yên Tử năm nay đã thu hút khoảng 20.000 du khách tới chiêm bái.

Rất đông tăng ni, phật tử và du khách tới tham dự khai hội Yên Tử

Sáng mùng 10 tháng Giêng (tức ngày 19/2), tại Cung Trúc Lâm - Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Quảng Ninh, lễ hội xuân Yên Tử đã khai mạc. Hội xuân Yên Tử là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc.

Năm nay, Lễ khai hội xuân Yên Tử được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. Phần khai hội diễn ra với các nghi lễ gióng trống, thỉnh chuông, dâng lễ cầu quốc thái dân an và đóng dấu thiêng Yên Tử.

Nhiều du khách nước ngoài cũng tham gia khai hội

Sau khai mạc, Hội Xuân Yên Tử có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền... và trưng bày và triển lãm tranh ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử.

Tại Yên Tử, sáng nay có mưa và sương mù, đặc biệt khu vực đỉnh núi chùa Đồng (Yên Tử) còn có gió to. Dù vậy, rất đông tăng ni, phật tử và du khách vẫn về với vùng đất Phật linh thiêng Yên Tử để chiêm bái, vãn cảnh. Theo ban tổ chức, đã có khoảng 20.000 người tham dự ngày khai hội, gấp đôi so với năm ngoái. Trước đó, trong 9 ngày đầu tháng Giêng, khu di tích Yên Tử đã đón 138.000 khách tham quan, bái lễ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Chuẩn bị cho dịp này, ban tổ chức đã chỉnh trang, cải tạo nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cùng hệ thống cờ hoa ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử.

Phật tử, du khách chiêm bái nơi đất Phật
Khu vực đỉnh núi chùa Đồng (Yên Tử) có mưa và gió to trong ngày khai hội

Quần thể Yên Tử nằm trên núi Yên Tử (còn gọi Bạch Vân Sơn) là di tích văn hóa và tâm linh nổi tiếng của nước ta. Hơn 700 năm trước, sau hai lần lãnh đạo quân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng về đây tu hành. Ngài đã lập nên một dòng Phật giáo đặc trưng của nước ta là Thiền phái Trúc Lâm. Đây là dòng Thiền đầu tiên và duy nhất có sư tổ là hoàng đế Việt Nam. Thế nên nơi đây được coi là "đất tổ Phật giáo Việt Nam".

Với độ cao 1068 mét so với mực nước biển, để lên được đến chùa Đồng trên đỉnh Yên tử, du khách phải trải qua quãng đường khoảng 6km với hàng nghìn bậc đá dốc đứng. Nhiều người truyền tai nhau rằng, nếu tự mình đi bộ chân núi lên đến đỉnh Yên Tử trong 3 năm liên tiếp mới được coi là thành tâm, mới gặp được nhiều hanh thông, thuận lợi trong cuộc sống và công việc.