Không để đồ cứu trợ bị hư hỏng, hết hạn đến tay người dân vùng lũ

Một người tham gia cứu trợ tại Lào Cai chia sẻ, thực phẩm vận chuyển đường xa nếu không được bảo quản đúng thì khi tới tay người dân có thể đã thiu hỏng. Ngoài ra, bánh mỳ sau 1 ngày thì bị mềm ỉu, còn loại được đóng gói ăn liền thì chỉ sử dụng được trong 7 ngày nên lúc tới tay người dân thì đã hết hạn.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, khắc phục hậu quả cơ bão số 3 gửi Sở Y tế các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn, Hoà Bình, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Bình.

Theo đó, Cục đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành trên có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt. Khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như mỳ gói, lương khô, nước uống đóng chai...

 

Các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khơi, giếng khoan bị ngập úng, cần phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.

Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và trạm y tế tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hoá, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị phối hợp cùng cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm loại lương thực, thực phẩm, nước uống do tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, dập vỡ, mốc, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.

Chia sẻ của những người tham gia cứu trợ người dân vùng lũ tại tỉnh Lào Cai

Trước tình cảnh các tỉnh miền Bắc phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, người dân nhiều tỉnh thành đã quyên góp thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ vùng lũ lụt. Đặc biệt, người dân nhiều nơi còn tập trung gói bánh gửi vùng lũ, để bà con có thể sử dung ngay.

Tuy nhiên, một người tham gia cứu trợ tại Lào Cai chia sẻ, vận chuyển đường xa nếu không được bảo quản đúng thì bánh khi tới tay người dân có thể thiu hỏng. Chị cũng chia sẻ thêm, một vài vấn đề bất cập về đồ cứu trợ theo thực tế để các đoàn từ thiện tham khảo như: Áo phao thời điểm này đã qua giai đoạn nguy hiểm nên hạn chế. Bánh mỳ sau 1 ngày thì bị mềm ỉu, dính nước trong quá trình vận chuyển. Bánh mỳ ăn liền sử dụng trong vòng 7 ngày nên lúc tới tay người nhận hết hạn. Trứng dễ vỡ trong quá trình vận chuyển. Gạo thì không có bếp nấu, vận chuyển cũng khó khăn.

Lũ sông Hồng ở Hà Nội bắt đầu rút

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 7h sáng nay (ngày 12/9), nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội ở mức 11,2m, dưới báo động 3 và đang giảm, mỗi giờ sẽ rút 2cm. Tuy nhiên, Bắc Bộ vẫn có mưa to, trong đó Hà Nội đêm và sáng sớm mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, tới 16h ngày 11/9, 5 các sông Bùi, Tích, Cầu, Cà Lồ, Nhuệ đều ở mức báo động 3. Riêng sông Bùi tại Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) đã vượt đỉnh lũ năm 2018, ở mức 7,66m. Ngoài ra, mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn thành phố như Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cà, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn... ở mức cao, hầu hết đều vượt ngưỡng tràn.