Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát về thị trường bất động sản giai đoạn 2015-2023, khi nhận xét về thị trường bất động sản hiện nay cho rằng, nhu cầu chủ yếu của người dân là nhà ở thực.
Tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường lại tập trung vào các phân khúc như nhà nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp và biệt thự, trong khi những loại hình nhà phù hợp với nhu cầu thực tế như đất nền, chung cư thương mại giá hợp lý hay nhà ở cho người thu nhập thấp lại rất khan hiếm, thậm chí gần như không có.
Người trẻ cần ít nhất gần 26 năm để mua được nhà
Từ sự chênh lệch về cơ cấu sản phẩm, dựa trên so sánh mức lương trung bình với giá nhà qua các thời kỳ, batdongsan.com.vn cho biết, vào năm 2004, với GDP bình quân đầu người khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, một người trẻ thế hệ 7X phải mất khoảng 31,3 năm làm việc và tích cóp để mua một căn hộ chung cư 60m² trị giá khoảng 600 triệu đồng.
Đến năm 2014, khi GDP bình quân đầu người tăng lên 5,5 triệu đồng/tháng, thế hệ 8X cần khoảng 22,7 năm để sở hữu căn hộ tương tự có giá 1,5 tỷ đồng. Đến năm 2024, với GDP đạt 9,5 triệu đồng/tháng, người trẻ thế hệ 9X phải mất khoảng 25,8 năm mới có thể mua căn hộ chung cư diện tích tương tự với giá khoảng 3 tỷ đồng.
Từ những con số này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn, nhận định rằng sở hữu nhà riêng luôn là một mục tiêu dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì phấn đấu của tất cả các thế hệ trẻ. Ngoài ra, người Việt Nam, giống như nhiều quốc gia châu Á khác, vẫn giữ quan điểm coi bất động sản là tài sản thiết yếu trọn đời, bởi những lý do như lợi suất ổn định, sự công nhận từ xã hội và vai trò đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Mặc dù Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu bất động sản cao nhất thế giới, lên tới 90% tổng số bất động sản (vượt cả Singapore, Indonesia, Mỹ và Úc), nhưng áp lực từ giá nhà tăng nhanh trong những năm qua đang khiến giấc mơ sở hữu nhà ngày càng xa vời.
Trong 5 năm gần đây, giá nhà tại Việt Nam đã tăng 59%, cao hơn mức tăng ở nhiều quốc gia khác như Singapore (37%), Mỹ (54%) hay Nhật Bản (41%). Hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang bị thống trị bởi phân khúc cao cấp và hạng sang, chiếm tới 80-90% giỏ hàng chào bán.
Những căn hộ có mức giá 3-5 tỷ đồng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trở nên ngày càng khan hiếm. Tại TP.HCM, chỉ còn một số ít dự án với mức giá từ 3-4 tỷ đồng, và mức giá này được dự báo sẽ "biến mất" trong vòng 2-3 năm tới, thay thế bằng các sản phẩm mới có giá từ 6-10 tỷ đồng. Điều này càng làm tăng thách thức cho người trẻ trong việc sở hữu một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính.
Hóa giải những yếu tố tác động đến giá nhà
Nêu quan điểm về vấn đề giá bất động sản tăng phi mã trong thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một nguyên nhân lớn dẫn đến việc ngày càng có nhiều người dân không thể mua được nhà ở là tình trạng đầu cơ và “thổi giá”. Đây đã trở thành một "căn bệnh" dai dẳng, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ cả phía Nhà nước và người dân.
Theo đó, Nhà nước cần quản lý bất động sản dựa trên tín hiệu thị trường, không sử dụng mệnh lệnh hành chính hoặc áp giá sàn trong đấu giá. Cần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở dành cho lực lượng vũ trang, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đồng thời, cải cách thể chế, giảm thủ tục hành chính, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ sẽ giúp hạ giá bất động sản. Để ngăn chặn đầu cơ, cần bổ sung quy định minh bạch và áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.
Sự hợp tác giữa người dân và Nhà nước trong việc kiểm soát giá bất động sản là rất quan trọng. Truyền thông cũng cần cân đối thông tin về đấu giá đất để tránh tác động tiêu cực đến thị trường.
Cũng theo ông Hiếu, Nghị quyết về thị trường bất động sản vừa được Quốc hội thông qua đã đề cập đến hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, cần tháo gỡ kịp thời các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản đang gặp khó khăn. Các giải pháp phải đảm bảo xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp tục rà soát các dự án khác và phân loại nguyên nhân, trách nhiệm để đưa ra giải pháp hợp lý. Bên cạnh đó, chú trọng thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, góp phần giảm tình trạng tăng giá bất động sản. Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng để tạo ra một quy trình thủ tục rõ ràng, thuận lợi, giúp giảm chi phí và làm giá bất động sản hợp lý hơn.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi và bổ sung các luật thuế, trong đó có quy định mức thuế cao hơn đối với người chậm sử dụng đất hoặc bỏ đất hoang, nhằm đảm bảo đồng bộ với các đổi mới trong pháp luật về đất đai, hạn chế đầu cơ và “thổi giá”.
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, thuế thường được đánh vào giá trị bất động sản trước, sau đó mới tính đến số lượng bất động sản sở hữu. Ngoài ra, có thể áp dụng thuế chuyển nhượng đối với những trường hợp chuyển nhượng căn nhà thứ hai.
Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, tăng thuế bất động sản sẽ giúp quản lý thị trường hiệu quả hơn và tăng thu ngân sách. Hiện, Việt Nam có tỷ lệ thuế bất động sản trong GDP rất thấp, chỉ 0,03%, so với các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, đây là yếu tố mà các nhà đầu tư cần cân nhắc trong chiến lược tài chính của mình.