Theo đúng lịch, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ đưa ra điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào ngày mai (30/5). Nhiều chuyên gia và một số lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá xăng trong kỳ điều hành này sẽ giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 dự báo có thể giảm từ 500 - 550 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm từ 700 - 750 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel cũng được dự báo giảm khoảng 50 - 150 đồng/lít, dầu hỏa giảm 210 đồng/lít, dầu mazut giảm 190 đồng/kg. Trường hợp liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Dự báo này nếu chính xác, mặt hàng xăng E5 RON 92 sẽ có phiên giảm giá trở lại, về dưới 22.000 đồng/lít, còn RON 95 cũng chỉ nhỉnh hơn mức giá này một chút.
Ghi nhận thị trường thế giới sáng nay 29/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mức 80,02 USD/thùng, tăng 2,59 USD/thùng. Còn giá dầu Brent đạt 84,26 USD/thùng, tăng 2,63 USD/thùng.
Giá dầu thể giới tăng, tuy nhiên giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore lại có xu hướng giảm. Cụ thể, xăng 92 giao dịch ở mức 92,4 USD/thùng. So với tuần trước, xăng 92 giảm khoảng 3 USD/thùng, còn xăng 95 giảm 2 USD/thùng. Đây là lý do các chuyên gia vẫn đưa ra dự đoán giá xăng trong nước giảm.
Ở kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định tăng 162 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên mức 22.277 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 78 đồng/lít lên 23.213 đồng/lít.
Liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối của 4 đơn vị.
Cụ thể, các doanh nghiệp bị thu hồi giấy xác nhận gồm Công ty TNHH Thương mại và Cung ứng Petrolink, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Công ty TNHH thương mại và vận tải xăng dầu Minh Phát (quận Bình Thạnh, TP. HCM), Công ty TNHH Đức Hạnh (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng).
Những quyết định này được ban hành xét theo đề nghị nộp, hoàn trả lại giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của các doanh nghiệp và Vụ Thị trường trong nước.
Mới đây, tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu, một số chuyên gia đề xuất nên bỏ Qũy bình ổn giá. Theo các chuyên gia, hiện quỹ này nằm trong tay doanh nghiệp dẫn tới có những trường hợp “tự tung tự tác”.
Thậm chí, trường hợp doanh nghiệp kẹt tiền có thể rút quỹ ra sử dụng, những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ như tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng như Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Thiên Minh Đức, Hải Hà… trong thời gian qua đã chứng minh rõ điều này.