Lazada muốn hợp tác với Armani, D&G để cạnh tranh với Shopee và TikTok

Lazada – công ty con của Alibaba gần đây đang thu hút các thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu châu Âu gồm Armani và D&G để tăng cường sự cạnh tranh với các đối thủ châu Á như Shopee và TikTok. Công ty đang hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD doanh số từ TMĐT.

Thị trường TMĐT Đông Nam Á dự kiến đạt 186 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, TikTok và Shopee đang là những người dẫn đầu với thị phần lớn, giành được sự quan tâm của người tiêu dùng trong khu vực, đặc biệt tại những thị trường trọng điểm như Indonesia và Singapore. Thị trường hấp dẫn này cũng đang là nơi chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ của những "gã khổng lồ" TMĐT, bao gồm Lazada.

Lazada đang phải cạnh tranh gay gắt với TikTok và Shopee ở khu vực Đông Nam Á.

Được biết, trong tuần qua, các Giám đốc điều hành Lazada đã họp tại Milan cùng với những người sáng lập và quản lý của hơn 100 thương hiệu Ý quan tâm đến việc khai thác thị trường Đông Nam Á thông qua LazMall Luxury – một nền tảng mới ra mắt của Lazada, hướng tới các sản phẩm cao cấp và xa xỉ. Trong số các thương hiệu Ý tham dự, có Armani, Golce & Gabbana, Ferragemo và Tod’s.

Cuộc gặp gỡ này là một phần trong những  nỗ lực của công ty TMĐT Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh và sự cạnh tranh đối với các đối thủ như Shopee và TikTok.

Lazada đang muốn lôi kéo các thương hiệu thời trang xa xỉ của châu Âu, đưa lên nền tảng của mình để tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh với những đối thủ TMĐT lớn như Shopee và TikTok.

Ông Jason Chen - Giám đốc Kinh doanh của Lazada cho biết: “Lazada sẵn sàng tăng tốc khi bước vào giai đoạn TMĐT mới, nơi lợi nhuận, thương mại hóa và lợi nhuận dài hạn đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Động thái hiện tại nhằm mở rộng phân khúc hàng xa xỉ sẽ thúc đẩy thêm những nỗ lực của chúng tôi trong việc củng cố vị thế thương hiệu của mình”.

Nhu cầu về những hàng hóa cao cấp là chìa khóa cho những nỗ lực của Alibaba. Cùng với Ấn Độ và Trung Đông, Đông Nam Á được coi là một trong những thị trường xa xỉ phát triển nhanh nhất thế giới.

Không giống như các đối thủ cạnh tranh của mình, Lazada có thể cung cấp cho các thương hiệu xa xỉ quyền kiểm soát tốt hơn đối với giá cả và việc tiếp thị. Tmall Luxury Pavilion của Alibaba – được thành lập vào năm 2017 hiện đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 thương hiệu đang là hình mẫu cho Lazada hướng tới.

Tmall Luxury Pavilion của Alibaba hiện đang là điểm đến trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc về mua sắm hàng xa xỉ.

“Khi một công ty quyết định mở cửa hàng trực tuyến của riêng mình trên nền tảng của chúng tôi, họ sẽ quản lý mọi hoạt động, từ giá cả đến hậu cần. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các hãng thời trang, những thương hiệu muốn kiểm soát toàn bộ quy trình bán hàng”.

Liên quan đến thị trường TMĐT ở Đông Nam Á, tuần qua, nền tảng mua sắm trực tuyến giảm giá xuyên biên giới Temu của PDD Holding (Trung Quốc) cũng đã mở rộng thị trường sang Việt Nam và Brunei. Trước đó, Temu đã bị cấm tại Indonesia. Như vậy, Temu hiện đang hoạt động tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến ngày 7/10). Hiện tại, phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn khá sơ sài, chỉ có phiên bản tiếng Anh (không có tiếng Việt) và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, đồng thời chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là Ninja Van và Best Express.