Liên tiếp những vụ việc chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư được phanh phui đang cho thấy vấn đề xoay quanh số tiền này lại nóng lên ở một khía cạnh khác, khi một số ban quản trị biển thủ, ăn chặn. Những sự việc mới đây hầu hết liên quan đến việc các thành viên ban quản trị bị tố nâng khống, tham ô quỹ bảo trì.
Sức hấp dẫn của số tiền lớn
Nổi bật nhất trong vụ bê bối gần đây là tại quận Phú Nhuận, TP.HCM khi một số thành viên ban quản trị thông đồng rút ruột hơn 20 tỉ đồng quỹ bảo trì, tương đương 1 nửa quỹ bảo trì của dự án.
Vụ việc được phanh phui khi phó ban quản trị lập lệnh chuyển trực tuyến 2 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của trưởng ban. Ngay sau đó, thành viên ban quản trị đã phát hiện vụ việc và yêu cầu trả lại số tiền thâm hụt. Sau khi tiếp tục rà soát, mới phát hiện thêm 22 tỉ đồng đã bị rút ra từ cuối năm 2022. Cho đến nay, trưởng ban quản trị đã trả lại 10 tỷ đồng, số tiền còn lại vẫn chưa được thu hồi.
Hồi đầu tháng 3, công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự đối với các cựu thành viên ban quản lý chung cư Miếu Nổi và một nhà thầu về hành vi “tham ô tài sản”. Theo kết luận điều tra, một số thành viên ban quản trị móc nối với nhà thầu nâng khống giá trị hợp đồng thang máy, hưởng chênh lệch gần 1 tỉ đồng.
Tương tự, tại Hà Nội, cư dân của một chung cư trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã tố cáo ban quản lý có dấu hiệu gây thất thoát hàng tỉ đồng trong quá trình cải tạo, xây sửa, thay mới thiết bị.
Từ những sự việc điển hình này có thể thấy, việc trục lợi quỹ bảo trì ngày càng báo động bởi số tiền rất lớn. Thông thường, tiền quỹ bảo trì được thu theo quy định là 2% giá trị căn hộ, tùy theo quy mô dự án, số tiền này có thể từ hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng/dự án và chuyển giao cho ban quản trị sau khi được bình bầu.
Theo ước tính của các chuyên gia, quỹ bảo trì căn hộ trên toàn quốc có thể đạt mức hơn 100.000 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại TP.HCM. Sức hấp dẫn của khoản tiền này khiến có những người thậm chí coi việc vào ban quản trị là một “nghề”.
Theo ông Nguyễn Duy Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), những người làm “nghề” này thường rất am hiểu pháp luật, nắm được tâm lý của người dân về việc cần những người bảo vệ quyền lợi. Do vậy, họ rất dễ được tín nhiệm bầu vào ban quản trị, sau đó trục lợi thông qua các việc như cấu kết để kê khống giá bảo trì, các dịch vụ, không công khai minh bạch tài chính…
Tìm cách bịt “lỗ hổng” hệ thống
Theo ông Thành, sở dĩ, việc quỹ bảo trì dễ bị rút ruột nằm ở mô hình hoạt động của ban quản trị chung cư, cùng với đó là hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Hiện tại, có ba mô hình ban quản trị đang hoạt động.
Đầu tiên là ban quản trị sẽ đại diện cho cư dân ký hợp đồng với công ty quản lý và giám sát. Đây là mô hình hoạt động đúng nhất với quy định của luật, thường diễn ra ở các dự án có ít quỹ căn hộ, quỹ bảo trì nhỏ.
Tiếp theo là ban quản trị tự thu tự chi, tự điều hành, đa phần các chung cư hiện nay đều đang hoạt động theo mô hình này. Cuối cùng là mô hình ban quản trị hỗn hợp, nửa khoán cho công ty quản lý, nửa tự thu tự chi.
Ông Thành cho rằng, với những dự án quy mô lớn, giá trị căn hộ cao, số tiền quỹ bảo trì lớn, thặng dư nhiều, ban quản trị luôn có xu hướng muốn điều hành trực tiếp thu chi. Các vấn đề phát sinh tiêu cực, rủi ro thâm hụt quỹ có nguy cơ bùng nổ.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi trên thị trường hiện nay, hầu hết các dự án mở mới đều đang tập trung ở phân khúc trung và cao cấp. Giá chung cư trung bình tại Hà Nội và TP.HCM đang duy trì ở mức 60 triệu đồng/m2, có những dự án đã vượt 100 triệu đồng/m2 và không có dự án nào có giá dưới 45 triệu đồng/m2. Trong khi nguồn cung dự án đang được đẩy mạnh ra thị trường để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Cũng theo ông Thành, ban quản trị đang hoạt động như mô hình công ty cổ phần, chịu sự điều hành của luật doanh nghiệp, phải tuân thủ các quy định về thuế, hóa đơn, quy chế mua sắm hàng hóa dịch vụ, mở tài khoản…nhưng tổ chức này lại thiếu các định chế quy định cụ thể việc mua sắm, quản trị tài chính nội bộ. Chưa kể, các thành viên trong ban quản trị “thông đồng” với nhau để rút ruột.
Trước đó, Nghị định 16 ban hành ngày 28/1/2022 cũng đã có quy định rất rõ việc xử phạt ban quản trị lạm quyền, sau phạm. Tuy nhiên, đa phân tại nhiều chung cư, các sai phạm chỉ biết đến khi người dân tố giác. Việc quản lý tại các chung cư chưa được các cơ quan chức năng quan tâm thấu đào để kịp thời ngăn chặn hành vi biển thủ.
Do đó, để giải quyết tận gốc thực trạng ban quản trị sai phạm, tham ô, chiếm dụng, chi sai mục đích phí bảo trì, pháp luật cần nghiêm minh, xử lý mang tính răn đe hơn nữa đối với các sai phạm.