Hà Nội: Hàng chục nghìn phòng trọ và chung cư mini bị yêu cầu dừng hoạt động

Tính đến ngày 4/7, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra gần 37.000 cơ sở nhà trọ, xử phạt 3.134 trường hợp, phạt tiền hơn 12 tỉ đồng; tạm đình chỉ 672 trường hợp, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động…

Công an thành phố Hà Nội vừa tổ chức họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2024. Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc công an thành phố đã thông tin kết quả kiểm tra, rà soát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; trường mầm non, nhóm trẻ; cơ sở phòng khám tư nhân ở Hà Nội.

Cụ thể, đối với nhà trọ, công an thành phố đã kiểm tra gần 37.000 cơ sở, xử phạt 3.134 trường hợp với 4310 hành vi vi phạm, phạt tiền hơn 12 tỉ đồng, tạm đình chỉ 672 trường hợp, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động.

chung-cu-mini-1720484168.jpg
Hàng chục nghìn phòng trọ và chung cư mini bị yêu cầu dừng hoạt động do vi phạm PCCC

Đối với chung cư mini, đã tổ chức kiểm tra đối với 193 cơ sở chung cư mini, tạm đình chỉ 14 trường hợp, đình chỉ hoạt động 4 trường hợp, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra đối với 317 cơ sở chung cư, xử phạt 4 trường hợp với 6 hành vi, phạt tiền hơn 93 triệu đồng, tạm đình chỉ 2 và đình chỉ 2 trường hợp.

Cũng trong thời gian qua, công an thành phố đã tổ chức kiểm tra đối với gần 6.000 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; xử phạt 435 trường hợp với 636 hành vi vi phạm, phạt tiền gần 487 triệu đồng, tạm đình chỉ 9 trường hợp, 1 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 129 cơ sở dừng hoạt động.

Đồng thời kiểm tra 935 cơ sở trường mầm non, nhóm trẻ. Trong đó, xử phạt 59 cơ sở, phạt tiền hơn 200 triệu đồng, tạm đình chỉ 23 trường hợp, đình chỉ 2 cơ sở và yêu cầu 32 trường hợp dừng hoạt động.

Ngoài ra, công an thành phố Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra tổng số hàng nghìn cơ sở phòng khám tư nhân, trung tâm tổ chức sự kiện, cơ sở không phép, sai phép, xử phạt hàng trăm trường hợp với các hình thức phạt tiền, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và yêu cầu dừng hoạt động.

Bổ sung thêm ý kiến, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trường Cục PCCC (C07) Bộ Công an cho biết, những trường hợp bị tạm đình chỉ, đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động cơ quan công an sẽ sắp xếp đơn vị theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện, khắc phục vi phạm.

phong-chay-chua-chay-1720484223.jpg
Vận động các hộ gia đình chấp hành các điều kiện PCCC&CNCH

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm về PCCC để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bắt buộc khắc phục vi phạm mới được hoạt động trở lại. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về PCCC; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý các chủ thể theo quy định.

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động các hộ gia đình chấp hành các điều kiện PCCC&CNCH, bình chữa cháy, thang thoát nạn, để chủ động xử lý các tình huống cháy có thể xảy ra…Ngoài ra, siết chặt công tác cấp phép xây dựng, an toàn về PCCC và các điều kiện khác.

Nói về việc yêu cầu dừng hoạt động những cơ sở kinh doanh nhà ở vi phạm quy định PCCC, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp. Bởi nếu áp dụng máy móc, sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu chỗ ở cho những người lao động, người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện để tiếp cận nhà ở.

Trước đó, tại cuộc họp hồi đầu tháng 7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH giai đoạn 2025, định hướng 2030.

Đặc biệt, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở lối thoát nạn thứ 2. Người đứng đầu cơ sở cho thuê trọ hoặc chủ hộ gia đình có nhà cho thuê phải cam kết và có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC.