Theo lối thiết kế xưa kia, khu vực bếp thường được xây dựng tách biệt với không gian nhà chính. Nhưng ngày nay, dựa theo nhu cầu, điều kiện thực tế về kinh tế cũng như diện tích ô đất xây dựng, rất nhiều gia chủ đã lựa chọn xây dựng công trình theo lối khép kín. Do vậy, mọi công năng của khu bếp đều nằm trong không gian sinh hoạt của ngôi nhà và không bị tách rời.

Thông thường, để thuận tiện cho việc nấu nướng thì khu bếp sẽ được đặt ở khu vực tầng 1 (tầng trệt). Không những thuận lợi về giao thông và không gian, vị trí này còn giúp các thành viên trong gia đình không mất quá nhiều công sức di chuyển trong quá trình nấu nướng, ăn uống.
Ở những căn nhà phố có diện tích khiêm tốn, không gian tầng 1 ngoài phục vụ mục đích sinh hoạt còn được tận dụng để xe máy, làm văn phòng, cửa hàng kinh doanh. Điều này đã khiến tầng 1 bị thu hẹp không gian và không còn diện tích trống để thiết kế bếp. Do vậy nhiều gia chủ đã tìm ra giải pháp là bố trí ở vị trí khác, cụ thể là đẩy phòng bếp lên tầng cao hơn và thường là tầng 2.

Bố trí bếp ở tầng 2 có hợp phong thủy?
Với mỗi ngôi nhà, cầu thang được xem là mạch dẫn khí từ tầng 1 lên các tầng bên trên theo sự vận động đi lên của con người. Nguyên tắc chung chỉ ra rằng, càng lên trên thì khí càng bị thất thoát, bởi vậy mà ở các tầng trên, khí sẽ kém hơn các tầng dưới.
Theo quan niệm của phong thủy, phòng bếp tượng trưng cho tài lộc, sức khỏe nên khu vực này luôn luôn phải vượng khí. Nếu đặt bếp ở các tầng cao thì khí không được nạp vào thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, tài chính của gia chủ. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều gia chủ băn khoăn không biết có nên bố trí bếp ở tầng 2.
Tuy nhiên, phong thủy cũng cho rằng, khí ở các tầng trên yếu dần đi nếu chúng ta sử dụng thang bộ nhưng với thang máy thì không gặp vấn đề gì. Bởi khí sẽ theo thang máy dẫn lên và được phân bố đầy đủ vào các tầng trong ngôi nhà nên ít bị thất thoát. Điều này lý giải vì sao những căn hộ chung cư ở các tầng trên của tòa nhà cao tầng vẫn đầy đủ khí và tốt về mặt phong thủy. Do đó, nếu nhà bạn có thang máy thì bếp đặt ở trên tầng cao không thành vấn đề, còn nếu chỉ có thang bộ thì nên cân nhắc đặt bếp ở tầng thấp.
Bố trí bếp ở tầng 2 và những lưu ý
Hướng đặt bếp phải phù hợp: Nhằm khắc phục nhược điểm về yếu tố phong thủy khi đặt phòng bếp trên tầng 2, các gia chủ nên chú ý chọn hướng đặt bếp sao cho phù hợp. Cụ thể, hướng bếp là hướng lưng của người nấu ăn, lưng của người nấu quay về hướng nào thì đó chính là hướng bếp.
Khu bếp có hai yếu tố nước và lửa khắc nhau, nên gia chủ cần ưu tiên thiết kế theo kiểu tam giác bếp nấu – chậu rửa – tủ lạnh để vừa hợp hướng vừa thuận tiện cho thao tác nấu nướng.
Không đặt bếp ở tầng 2 cạnh phòng ngủ, phòng thờ: Khi lựa chọn đặt bếp ở tầng 2, gia chủ cần tránh đặt cạnh phòng thờ, phòng ngủ. Khu bếp là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nấu nướng và tụ tập đông người, trong khi phòng ngủ lại là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, cần sự yên tĩnh và tránh ồn ào. Còn phòng thờ là không gian linh thiêng nên cần sự yên tĩnh và thông thoáng. Do vậy, bố trí bếp trên tầng 2 cạnh phòng thờ, phòng ngủ sẽ khiến cho quá trình sinh hoạt của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng.
Phải lắp đặt hệ thống hút mùi tốt: Quá trình nấu nướng thường khiến căn bếp ám mùi thức ăn, dầu mỡ. Nếu gia chủ không trang bị hệ thống hút mùi, căn nhà sẽ trở nên bí bách, gây khó chịu và ảnh hưởng đến các không gian còn lại. Nhất là khi phòng bếp được đặt ở tầng 2, gần với phần lõi, phần trung tâm của ngôi nhà thì việc ám mùi càng nhanh và nặng nề hơn.
Thực tế các chuyên gia khuyên nếu lựa chọn đặt bếp giữa tầng 1 và tầng 2 thì nên đặt bếp ở tầng 1. Trong trường hợp bất khả kháng cần phải đặt bếp ở tầng 2 thì các gia chủ nên tham khảo những lưu ý trên để khắc phục, cải thiện những nhược điểm để có khu bếp phù hợp, đảm bảo phong thủy và vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia đình.