Phân loại xong lại bị dồn vào
Chị Phạm Thị Linh (quận 11, TP. HCM) cho biết, mỗi ngày thải ra khá nhiều loại rác khác nhau từ thức ăn thừa tới túi nhựa, túi giấy các loại… Mấy tháng trước, chị đã bắt đầu phân loại rác thải trong nhà. Chị đặt 2 thùng rác riêng biệt trong nhà để hướng dẫn 2 cậu con trai nhỏ bỏ rác đúng thùng.
Chị Linh cho hay, sở dĩ chị đặt 2 thùng rác vì nhiều lần đi bỏ rác, chị nhận thấy, rác được phân loại rồi nhưng người thu gom sau khi lấy rác nhựa thì lại đổ chung hết vào nhau. Gần đây, gia đình chị cũng nhận được tờ rơi tuyên truyền của địa phương về việc này nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.
Trong khi đó, anh Lâm Văn Hùng (ngụ quận 7) cũng cho hay, chung cư nơi anh ở có ống đổ rác ngay mỗi tầng, dù có phân loại hay không thì rác cũng chỉ đi qua đường ống ấy để xuống kho chứa rác. Chính vì vậy, nhiều cư dân cũng không quan tâm đến việc phân loại, chỉ mở cửa ống rồi cho bịch rác vào.
Các loại giấy, hộp carton, túi ni lông... được xả thẳng xuống chung với rác thực phẩm nên bị hư hại, không còn khả năng tái chế. Anh nhận thấy, tại nhiều nơi công cộng có đặt thùng phân loại rác nhưng ít người quan tâm bỏ rác đúng quy định. Nếu có, những người nhặt ve chai cũng làm rối tung lên.
Anh Hùng chia sẻ, anh biết từ tháng 1/2025 sẽ phải thực hiện phân lọa rác thải, tuy nhiên với thực tế như hiện nay, người dân rất bối rối trong việc phân loại. Bởi người dân phân loại rồi, nhưng quá trình thu gom vẫn như cũ thì cũng không có tác dụng.
Cần quy trình rõ ràng
PGS-TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM) thừa nhận, nhiều chương trình, mô hình thí điểm phân loại rác thải chỉ "chạy tốt" trong giai đoạn dự án. Còn sau khi dự án kết thúc, người dân vẫn quay lại thói quen bỏ rác cũ.
Theo ông Lê Hùng Anh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Thức nhất là ý thức người dân chưa cao và điều kiện sống của nhiều người chật hẹp nên họ vẫn thích gom tất cả vào một túi cho thuận tiện và tiết kiệm.
Thứ hai, chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, cần phải để người dân thấy được lợi ích thiết thực của việc làm đó với bản thân và gia đình. Thứ ba là chưa có hạ tầng phục vụ thu gom vận chuyển sau khi người dân đã phân loại rác.
PGS.TS Lê Hùng Anh nhấn mạnh, điều quan trọng khi phân loại rác thải tại nguồn là cần có lộ trình phù hợp và tùy theo năng lực của từng địa phương. Cụ thể, thay vì phân ra 3 loại rác thì bước đầu chỉ nên phân thành 2 loại là có thể tái chế và loại còn lại. Tại những địa phương có dự án điện rác thì có thể phân thành loại thành có thể đốt và không thể đốt. Sau một thời gian đủ lâu để người dân hình thành thói quen thì chuyển sang giai đoạn 2 là phân loại rác thành 3 - 4 loại.
Cùng với đó, phải tổ chức lại và nâng cấp phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu gom, xử lý rác.
Liên quan đến thí điểm phân loại rác tại nguồn, huyện Đông Anh (Hà Nội) là huyện tiên phong thí điểm diện rộng từ năm 2021. Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Cộng đồng và Môi trường (Live&Learn) cho biết, đến nay, toàn huyện Đông Anh có 100% xã, thị trấn thí điểm và nhân rộng phân loại rác tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại nhà với hơn 50.000 hộ gia đình thực hiện thường xuyên.
Thực hiện mô hình này, tổng lượng rác thải sinh hoạt của huyện giảm 12 tấn mỗi ngày. Việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 - 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, việc thí điểm và lựa chọn phân loại rác tại nguồn phải phù hợp với đặc thù địa phương. Như khu vực nội thành thì tập trung vào rác tái chế, xem xét kỹ danh mục các loại rác có thể tái chế để phân loại, kết nối cùng các đơn vị thu gom và công ty tái chế để xử lý. Khu vực ngoại thành thì tập trung vào rác thực phẩm để phân loại và ủ phân tại nhà, tại vườn với nhiều mô hình đa dạng.