Rác thải điện tử: Cần thu gom, xử lý đúng cách, tránh nhiễm độc sang người

Hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa nguyên tố độc hại, ngay cả chất chống cháy thông dụng nhất có trong một số chiếc điện thoại cũng sử dụng tới 17 chất hóa học, trong đó có nhiều chất hiếm như Europium, Neodymium, Xeri. Các nguyên tố này nếu liều lượng lớn đều có thể gây ra thảm họa với sức khỏe con người.

Phát sinh 100.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số khiến vòng đời của những thiết bị điện tử (ti vi, máy tính, điện thoại di động...) ngắn, nhanh chóng rơi vào tình trạng lỗi thời. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề thu gom rác thải điện tử, không để ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ con người.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), nước ta mỗi năm phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ điện gia dụng và văn phòng. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

rac-thai-dien-tu-1722424148.jpg
Nước ta mỗi năm phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử

Các chuyên gia đánh giá, rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường với môi trường và sức khỏe con người. Trong rác thải điện tử chứa nhiều kim loại độc hại, từ vỏ tới các linh kiện bên trong như thủy ngân, kẽm, chì... Nếu không được xử lý đúng cách, những chất độc hại từ rác thải điện tử có thể gây ô nhiễm đất, nước, không khí, qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trước thực trạng đó, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác xử lý, thu gom, tái chế rác thải điện tử. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập bởi hiện nay, phần lớn các thiết bị điện tử khi đã hết hạn sử dụng đều bị người dân bỏ chung với rác thải sinh hoạt để đem chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Một phần nhỏ được gom thông qua những người thu mua đồng nát hay các cơ sở thu mua tự phát với mục đích tháo gỡ bộ phận bên trong để lấy kim loại như nhôm, đồng, sắt...

Trong khi đó, tỷ lệ tái chế và xử lý rác thải điện tử của nước ta đang ở mức độ thấp, dưới 10% tổng lượng rác thải điện tử phát sinh. Hiện nay, cả nước có khoảng gần 70 doanh nghiệp được cấp phép xử lý rác thải, linh kiện điện tử quy mô nhỏ, công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày. Tuy nhiên, nước ta mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như đồng, chì, sắt, thiếc, nhựa mà chưa thể tái chế được các kim loại quý, có hàm lượng cao trong rác thải điện tử.

rac-thai-dien-tu-2-1722424240.jpg
Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường trong rác thải điện tử

Ông Nguyễn Thi – chuyên viện Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, chất thải điện, điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn... thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc. Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Chiến dịch ý nghĩa từ các tình nguyện viên

10 năm trước, chương trình Việt Nam tái chế (Vietnam Recycles) - tổ chức phi lợi nhuận, tình nguyện đứng ra thực hiện thu hồi, tái chế miễn phí rác thải điện tử. Chương trình nhận được nhiều sự ủng hộ của cả người dân và chính quyền địa phương.

Bà Mai Thị Thu Hằng - đại diện chương trình Việt Nam tái chế chia sẻ, tính đến tháng 6/2024, chương trình đã tiếp nhận và xử lý hơn 140 tấn rác thải điện tử từ các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội, TP. HCM.

Các tình nguyện viên của chương trình đi gõ cửa từng nhà, vừa giải thích lợi ích của việc tái chế rác thải điện tử đúng cách trong bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, vừa thu gom trực tiếp. Chương trình đồng thời phối hợp với UBND các địa phương thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền, thu gom rác thải điện tử và ngày càng nhận được sử ủng hộ của người dân.

rac-thai-dien-tu-1-1722424148.jpg
Các tình nguyện viên của chương trình thu gom trực tiếp rác thải điện tử

Theo bà Hằng, rác thải điện tử sau khi được thu gom sẽ được phân loại, thông thường tỷ lệ tái chế sẽ từ 50 - 70%, tùy loại thiết bị. Những vật liệu không thể tái chế sẽ được đưa vào hệ thống xử lý chất thải nguy hại chuyên biệt. Hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa nguyên tố độc hại, ngay cả chất chống cháy thông dụng nhất có trong một số chiếc điện thoại cũng sử dụng tới 17 chất hóa học, trong đó có nhiều chất hiếm như Europium, Neodymium, Xeri.

Các nguyên tố này nếu liều lượng lớn đều có thể gây ra thảm họa với sức khỏe con người. Đặc biệt, trong bóng đèn huỳnh quang và màn hình của thiết bị điện tử đều có thủy ngân. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính, mỗi năm có khoảng 50 tấn thủy ngân được sử dụng cho việc sản xuất bóng đèn huỳnh quang và màn hình.

Ngoài chương trình Việt Nam tái chế, nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác hiện cũng đang nỗ lực thu gom, thay đổi nhận thức của người dân về rác thải điện tử. Tuy nhiên, đến nay số lượng rác thải điện tử bị loại bỏ ở nước ta vẫn rất lớn.

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam cho rằng, nước ta cần nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải điện tử. Đồng thời, dần dần nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát.