Người lớn tuổi cũng cần được quan tâm giải quyết việc làm

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thu nhập của người lao động cao tuổi chỉ đạt khoảng 38,5% so với mức lương bình quân trên thị trường. Trong khi thực tế cho thấy, nhiều người cao tuổi vẫn còn đủ sức khỏe, kinh nghiệm và có thể đóng góp tích cực cho xã hội.

Bươn trải mưu sinh tuổi “thất thập cổ lai hy”

Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, việc tạo ra việc làm cho người cao tuổi là một vấn đề cấp bách và cần được chú trọng, đặc biệt tại các đô thị. Dự báo chỉ trong chưa đầy 15 năm nữa, Việt Nam sẽ chính thức trở thành quốc gia có dân số già.

Tuy nhiên, hiện nay 2/3 số người cao tuổi tại Việt Nam không được hưởng trợ cấp xã hội, phải sống dựa vào con cháu hoặc tự lao động để mưu sinh. Trong đó khoảng 70% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn và chủ yếu làm nông nghiệp. Còn tại các đô thị, đất đai nông nghiệp ngày càng hạn chế, người cao tuổi nếu không có lương hưu thường phải làm nhiều nghề khác để kiếm sống.

Người lớn tuổi vẫn có nhu cầu việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống

Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp các cụ ông, cụ bà vẫn miệt mài làm những công việc như bán hàng, sửa giày dép, sửa đồng hồ, làm bảo vệ, lái xe ôm, thậm chí đạp xích lô. Họ không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu, nên dù tuổi đã cao, họ vẫn tham gia lao động để tăng thu nhập cho bản thân và giúp đỡ gia đình.

Ông Hà Văn Hiếu (75 tuổi) mỗi ngày vẫn đều đặn mang túi dụng cụ ra ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) để hành nghề cắt tóc. Ông chia sẻ, ông đã làm nghề này gần 35 năm và chưa có ý định nghỉ ngơi.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền (72 tuổi) đã hơn 10 năm bán trà đá tại phố Trung Kính (Cầu Giấy). Dù đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn nhanh nhẹn, chính xác trong việc phục vụ khách hàng.

Còn ông Phạm Công Thắng (73 tuổi, quê Hưng Yên) đã làm nghề đạp xích lô ở Hà Nội gần 40 năm, nhưng chưa có kế hoạch nghỉ hưu. Dù con cháu không muốn ông làm công việc nặng nhọc này, nhưng vì còn sức khỏe, ông vẫn tiếp tục làm để kiếm thêm thu nhập. Ông bảo, đi làm có thêm đồng ra đồng vào, lúc nhà có việc còn chủ động chi tiêu.

Người cao tuổi cũng cần công việc

Tại Việt Nam, người từ 60 tuổi trở lên được xem là người cao tuổi, nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải bươn chải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thay vì có thể an hưởng tuổi già bên con cháu. Việc duy trì việc làm cho người cao tuổi không chỉ là xu hướng ở Việt Nam mà còn đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến nhiều người cao tuổi vẫn phải bươn trải kiếm sống

GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua ba cuộc điều tra quốc gia về người cao tuổi (2011, 2019, 2022), thu nhập từ lao động của người cao tuổi chiếm tới 35 - 38% trong tổng thu nhập phục vụ cuộc sống hàng ngày và có xu hướng tăng lên. Dù sự phụ thuộc của người cao tuổi vào con cái vẫn cao, nhưng đang giảm dần.

Hiện nay, những công việc có thu nhập bấp bênh và không ổn định gây ra tác động đáng kể đến đời sống người cao tuổi. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thu nhập của người lao động cao tuổi chỉ đạt khoảng 38,5% so với mức lương bình quân trên thị trường. Trong khi thực tế cho thấy, nhiều người cao tuổi vẫn còn đủ sức khỏe, kinh nghiệm và có thể đóng góp tích cực cho xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ định kiến từ người sử dụng lao động về năng suất và khả năng của người cao tuổi. Một phần lý do khác lại đến từ chính người cao tuổi khi họ có tâm lý ngại thích ứng với thị trường lao động đang thay đổi.

GS.TS Giang Thanh Long cho rằng định kiến về người cao tuổi có giảm, nhưng chưa đều trong các ngành nghề. Dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người cao tuổi, nhưng hiệu quả của các chính sách này vẫn còn hạn chế.

Để cải thiện tình hình, GS.TS Long nhấn mạnh cần có các chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ và xã hội. Việc loại bỏ định kiến về người cao tuổi trong các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe là cần thiết. Các cơ quan chức năng nên hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi việc làm, và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người cao tuổi. Đồng thời, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động cao tuổi để họ có cơ hội tham gia vào thị trường lao động phù hợp với khả năng.

Bài học từ Nhật Bản là một ví dụ hữu ích. Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động làm việc đến 70 tuổi, đồng thời cho phép họ tự quyết định thời điểm nhận lương hưu linh hoạt. Nước này còn thành lập các trung tâm kết nối lao động cao tuổi với doanh nghiệp từ năm 1974 và sau đó đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số cho người cao tuổi. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học hỏi để hỗ trợ người cao tuổi thích ứng với môi trường lao động đang thay đổi.

Nhìn chung, việc làm và thu nhập của người cao tuổi không chỉ là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống ổn định và chất lượng cho họ, đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội. Do đó, việc tạo ra các cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi cần được xem là một phần thiết yếu trong chính sách lao động và việc làm của Việt Nam.