Lời cảnh báo cho các nhà bán hàng lẻ nhỏ
Theo báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 do Metric mới công bố, khoảng 165.000 shop online đã rời khỏi thị trường trong năm 2024. Đây là một minh chứng rõ rệt cho sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành bán lẻ trực tuyến.
Đồng thời là lời cảnh tỉnh dành cho các nhà bán hàng, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ lẻ rằng thời kỳ bán hàng online dễ dàng đã qua và giờ là lúc họ phải thay đổi để tồn tại trong môi trường kinh doanh số đầy cạnh tranh và khắc nghiệt.
Điều này cho thấy, các nhà bán hàng nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ dần bị loại khỏi thị trường. Lợi nhuận sẽ tập trung vào những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, có chiến lược đầu tư bài bản vào việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Theo phân tích của Metric, nguyên nhân chính của tình trạng này là do phí nền tảng kinh doanh trên các sàn đã tăng lên so với các năm trước, đồng thời thuế cũng được quản lý chặt chẽ hơn. Điều này khiến các nhà bán hàng gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa chi phí vận hành để duy trì lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan như việc các nhà bán hàng thiếu chiến lược kinh doanh hiệu quả, không nghiên cứu kỹ thị trường trước khi nhập hàng hay sản xuất, và việc kiểm soát chi phí kém… cũng góp phần dẫn đến tình trạng này.
Chị Trần Thu Trang (quận Phú Nhuận, TP. HCM) chuyên bán các đặc sản miền Tây như gạo sạch, tôm sú, nghệ… trên hai sàn thương mại điện tử lớn. Chị cho hay, chị từng có doanh thu lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng hiện tại một gian hàng của chị đã bị khóa và gian hàng còn lại gần như không hoạt động.
Theo chị Trang, trước đây sàn miễn phí hoàn toàn cho người bán và tặng mã giảm giá, hỗ trợ phí vận chuyển nên khách hàng đặt mua rất nhiều. Nhưng hiện tại, các sàn đã đưa ra rất nhiều loại phí. Điều này khiến nhiều đơn hàng của chị bị lỗ do phải trả các khoản phí của sàn.
Để duy trì công việc, chị phải chuyển sang tập trung bán hàng qua mạng xã hội, chăm sóc khách hàng cũ để họ tiếp tục đặt mua và tự vận chuyển hàng hoặc gửi qua các đơn vị vận chuyển khác.
Giám đốc kinh doanh từ một sàn thương mại điện tử nằm trong top 5 tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay đang diễn ra một cuộc sàng lọc tự nhiên với các nhà bán hàng trên thị trường online. Theo đó, các nhà bán hàng có quy mô nhỏ sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi.
Chi phí bán hàng trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng cao, một số sàn còn tăng phí một cách vô lý, có những sàn thậm chí tăng phí đến 4 lần mỗi năm, cộng với nhiều loại phí khác, khiến lợi nhuận của các nhà bán hàng ngày càng mỏng đi.
Trước đây, một nhà bán hàng có thể kiếm lời từ 15% đến 20%, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5%. Tỷ lệ này tuy không lớn với các doanh nghiệp lớn, nhưng với các nhà bán nhỏ, doanh thu 100 triệu đồng mỗi tháng, họ chỉ lãi được 5 triệu đồng, không đủ để trang trải cuộc sống. Thậm chí, có nhiều nhà bán chủ động rời sàn thương mại điện tử và chuyển sang kinh doanh qua mạng xã hội để tránh phải đóng thuế" - vị giám đốc này chia sẻ, giải thích nguyên nhân khiến tỷ lệ nhà bán rời sàn ngày càng tăng.
Nhà bán hàng nhỏ lẻ cần làm gì?
Thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng và dần trở thành phần không thể thiếu trong lối sống hiện đại. Trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử liên tục đưa ra nhiều quy định mới, để duy trì sự tồn tại, các chủ cửa hàng cần phải nắm vững luật chơi và học cách tránh phạm phải các quy định của sàn.
Một số vấn đề các nhà bán hàng cần lưu ý bao gồm cách "né" các điểm phạt, làm thế nào để duy trì các chương trình khuyến mãi liên tục và làm sao để không bị giới hạn lượt tiếp cận khách hàng (traffic), tránh vi phạm tỷ lệ đơn hàng không thành công hay giao hàng muộn. Thậm chí, việc không tuân thủ có thể dẫn đến việc tài khoản bị khóa vĩnh viễn. Mặc dù những lỗi này có thể nhỏ, nhưng mức phạt có thể rất nặng, đôi khi nhà bán hàng còn phải chịu trách nhiệm cho các phản hồi tiêu cực từ khách hàng.
Với mức chi phí kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử dao động khoảng 15%, cộng với chi phí thuế, quảng cáo và các khoản phí khác, người bán phải hết sức cân nhắc trong việc xác định giá vốn, chi phí và giá bán để không bị lỗ. Nhìn chung, tham gia vào thương mại điện tử đòi hỏi các nhà bán hàng phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt để có thể tồn tại.
Giờ đây, các lượt đánh giá hay bình luận "lấy lòng" không còn có sức hút lớn. Những người bán có uy tín và doanh số cao sẽ dễ dàng thu hút khách hàng, trong khi những người mới hoặc có lượt bán thấp sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh nếu không đầu tư nghiêm túc.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để tồn tại trong môi trường cạnh tranh này, các nhà bán hàng nhỏ lẻ cần phải lựa chọn nền tảng thương mại điện tử phù hợp với sản phẩm và thị trường của mình. Họ cần nghiên cứu kỹ sản phẩm, xác định điểm mạnh cạnh tranh và tạo ra sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Tiếp theo, việc xây dựng một cửa hàng trực tuyến dễ sử dụng, có giao diện đẹp, và hoạt động hiệu quả sẽ giúp tạo ấn tượng với khách hàng, như thể họ đang vào một cửa hàng truyền thống. Phát triển kinh doanh trên các nền tảng online không chỉ giúp tiếp cận nguồn khách hàng rộng lớn mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu.
Để vượt qua những thử thách này, các nhà bán hàng cần tập trung vào việc xây dựng lòng tin với khách hàng, duy trì uy tín qua phản hồi tích cực từ người mua, tận dụng cơ sở hạ tầng để rút ngắn thời gian giao hàng, đảm bảo hình ảnh trực tuyến trung thực và cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao gồm xuất xứ và giấy bảo hành. Chỉ khi làm được những điều này, các nhà bán hàng online, dù nhỏ hay lớn, cũng sẽ có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong thế giới thương mại điện tử đầy biến động.
Bên cạnh đó, các nhà bán hàng nhỏ có thể tận dụng các buổi livestream, video ngắn hoặc tiếp thị liên kết trên Facebook và TikTok để tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu và gia tăng doanh thu mà không phải chi quá nhiều cho quảng cáo trả phí.
Việc kết hợp khuyến mại nhỏ như giảm giá hay tặng quà trong các buổi livestream có thể thu hút khách hàng tiềm năng và tăng cơ hội chuyển đổi đơn hàng hiệu quả.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều xu hướng mua sắm mới, làm cho "cuộc đua" thương mại điện tử càng trở nên khốc liệt. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để đưa ra những chiến lược và giải pháp tổng thể, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường liên kết vùng và phát triển theo hướng xanh và bền vững.