Nhà đầu tư ôm nỗi lo “tán gia bại sản” khi đầu tư shophouse

Không ít nhà đầu tư đang lâm cảnh “sống dở chết dở” khi đầu tư vào shophouse, biệt thự nhà phố hàng chục tỷ đồng nhưng đến nay sang nhượng khó, cho thuê cũng không dễ.  

Từng cầm hàng chục tỷ đồng đi đầu tư shophouse với kỳ vọng sẽ thu được khoản lời từ 7 – 11%/năm, tuy nhiên, anh Hoàng Đức (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thực tế sau khi đầu tư vào phân khúc này lại nhận nhiều thất vọng hơn kỳ vọng.

Cuối năm 2021, anh Đức đã xuống tiền đầu tư mua hai căn shophouse liền kề, mỗi căn có diện tích khoảng 150m2 tại một khu đô thị khu vực Hà Đông với số tiền khoảng hơn 40 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ đồng là vay ngân hàng, dự định sẽ thu dòng tiền thụ động từ việc cho thuê để trả lãi trong lúc đợi giá nhà tăng.

Shophouse từng là phân khúc bất động sản được giới đầu tư ưa chuộng khi mang về lợi nhuận kép. 

Song, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược với dự tính ban đầu bởi quá trình tìm khách thuê không dễ dàng như những lời “hứa hẹn” của các môi giới. Nếu tìm được khách thuê nhà thì cũng chỉ duy trì được thời gian ngắn bởi việc kinh doanh kém khiến họ không thể gồng gánh được chi phí thuê cao như vậy.

Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư "vỡ mộng" khi rót hết vốn liếng vào phân khúc này. 

“Không tìm được khách thuê nhà khiến tôi rất đau đầu, vì hàng tháng tôi vẫn đang phải đóng khoản lãi khá cao cho ngân hàng. Đứng trước áp lực gồng gánh đã buộc tôi phải quyết định phải rao bán trước 1 căn, cắt lỗ gần 30% so với giá trị mua vào ban đầu, để lại 1 căn tiếp tục tìm khách thuê”, nhà đầu tư này giãy bày.

Tiền cho thuê "bèo bọt", áp lực lãi suất đè nặng khiến nhiều nhà đầu tư phải bán cắt lỗ từ 20 - 30% để thoát hàng. 

Anh Đức chia sẻ thêm, thời gian qua thị trường bất động sản gặp khó khăn khiến phân khúc này càng khó bán hơn. Mặc dù đã rao bán gần một năm nay nhưng đến hiện tại, căn shophouse của anh Đức vẫn chưa tìm được người mua, còn việc cho thuê cũng  “vắng bóng” khách.

Nhiều dãy shophouse luôn trong tình trạng vắng bóng khách thuê nhiều năm nay.

Khảo sát của phóng viên Đô Thị Mới cho thấy, xuyên suốt trục đường Tố Hữu (Hà Nội) có hàng trăm căn shophouse, biệt thự bỏ trống được treo chằng chịt biển “cho thuê nhà” kèm theo số điện thoại liên lạc.

Trước cửa các lô shophouse được treo biển cho thuê hàng loạt.

Đi càng sâu về phía Tây và phía Đông Hà Nội càng thấy rõ, dù ở những vị trí đắc địa, thoáng mát nhưng hầu hết các khu shophouse có giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng đều chung tình trạng “ế ẩm”, mòn mỏi đợi khách thuê. Mỗi căn tại đây có giá cho thuê dao động từ 15 đến 45 triệu đồng/ tháng, tùy vào diện tích và khu vực.

Dù đã tích cực đăng biển tìm khách thuê nhưng vẫn không mấy khả quan.

Theo anh Trần Bình, một môi giới chuyên về sản phẩm thấp tầng tại Hà Nội, đa phần những khu đô thị shophouse, biệt thự có giá trị cao này chủ yếu là dân đầu tư chứ không có mấy ai vào ở. Chính vì thế, khi không có người tiêu dùng thì những cửa hàng kinh doanh tại đây cũng khó duy trì, điều này dẫn đến việc nhiều khu đô thị luôn trong tình trạng vắng vẻ, “bỏ hoang” hàng loạt.

Tình trạng "ế ẩm" khách thuê đã kéo dài trong vài năm trở lại đây.

“Một số chủ shophouse, biệt thự vẫn đang nỗ lực tìm khách thuê nhưng nhìn chung giai đoạn này không mấy thuận lợi do chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang online ngày càng nhiều. Những dự án này lại nằm xa trung tâm nên thường sẽ phải mất  nhiều năm để dân cư tập trung về đông đúc”, anh Bình nói.

Dãy shophouse này dù đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng vẫn "cửa đóng then cài".

Lý giải về mặt bằng shophouse bị bỏ trống nhiều nơi, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group cho biết, trong giai đoạn bùng nổ bất động sản, các chủ đầu tư thường lạm dụng loại hình này và xây dựng với số lượng lớn trong khi hiệu quả khác kinh doanh bị bỏ ngỏ.  

Dãy shophouse nằm trên tuyến đường Tố Hữu luôn trong tình trạng vắng lặng 

Ngoài ra, các dự án này thường nằm ở khu vực xa trung tâm, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, còn thiếu nhiều tiện ích nên mật độ dân cư thưa thớt, dẫn đến việc khai thác cho thuê shophouse không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Thậm chí, số lượng người ở hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa phần đều trong tình trạng bỏ trống, hoang tàn, nhếch nhác.

Chính vì vậy, ông Thắng khuyến cáo các nhà đầu tư có dự định mua shophouse cần tính toán kỹ càng từ vị trí, giao thông kết nối và khả năng lấp đầy của toàn dự án. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét độ uy tín của chủ đầu tư, đã có tiện ích nội ngoại khu hay chưa./.