Nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn phụ thuộc vào việc bán tài sản để duy trì dòng tiền

Trước đây, để duy trì dòng tiền và cơ cấu nợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải bán tài sản hoặc ghi nhận doanh thu từ hoạt động bất thường. Giờ đây, mảng kinh doanh cốt lõi đã tạo ra lợi nhuận, mang lại sự ổn định và bền vững.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, trong đó nhiều công ty ghi nhận lợi nhuận ấn tượng.

Lợi nhuận đến từ mảng cốt lõi

Công ty CP Vinhomes đạt doanh thu thuần quý IV/2024 hơn 33.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận ròng quý IV của Vinhomes cũng đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 7 lần so với năm trước. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế cả năm của Vinhomes đạt khoảng 35.052 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2023.

Một "ông lớn" khác trong ngành là Khang Điền cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2024, với doanh thu gần 3.280 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận ròng 810 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Hầu hết doanh thu của Khang Điền đến từ chuyển nhượng và bàn giao dự án bất động sản.

Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng ghi nhận năm kinh doanh tích cực, với doanh thu thuần quý IV/2024 vượt 6.300 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Nam Long đạt khoảng 1.327 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm trước. Lũy kế cả năm, doanh thu của Nam Long đạt gần 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.382 tỷ đồng, tăng lần lượt 126% và 73%, vượt 68% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản có thể tăng từ 25-50% trong năm 2025, nhờ sự phục hồi của nguồn cung, tâm lý tích cực của thị trường và xu hướng tăng giá bán

Nhiều chủ đầu tư lớn khác cũng báo cáo kết quả tích cực trong năm 2024. Địa ốc Hoàng Quân có lợi nhuận ròng gần 33 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2020; Văn Phú Invest ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 749 tỷ đồng và 101 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ; An Gia đạt lãi ròng gần 298 tỷ đồng, tăng 70% và vượt 19% kế hoạch.

Các chuyên gia cho rằng, kết quả tích cực này đến từ việc các chủ đầu tư linh hoạt tái cấu trúc hoạt động. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thay vì mở rộng quá mức, nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các dự án hiện có để duy trì dòng tiền và củng cố niềm tin với khách hàng. Đặc biệt, doanh thu của nhiều chủ đầu tư trong năm qua chủ yếu đến từ hoạt động sang nhượng và bàn giao dự án. Các doanh nghiệp nhỏ cũng đã tìm cách phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, ghi nhận doanh số khả quan.

Theo VIS Rating, công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản có thể tăng từ 25-50% trong năm 2025, nhờ sự phục hồi của nguồn cung, tâm lý tích cực của thị trường và xu hướng tăng giá bán. Tương tự, SSI Research cũng dự báo thị trường bất động sản sẽ phát triển tốt nhờ triển vọng kinh tế tích cực và nguồn cung mới gia tăng. Doanh thu bán hàng của các "ông lớn" như Vinhomes, Khang Điền, Nam Long dự kiến tiếp tục tăng trưởng lần lượt 3,8%, 72% và 35%.

Vấn đề nổi cộm cũng đang dần được giải quyết

Một vấn đề nổi cộm trong những năm qua đối với các doanh nghiệp bất động sản là tình hình nợ vay và nợ trái phiếu gia tăng, tạo ra áp lực tài chính lớn. Để đối phó với tình trạng này, nhiều chủ đầu tư đã tích cực tái cơ cấu nợ, đặc biệt là giảm nợ vay và xử lý trái phiếu đến hạn.

Novaland, một trong những tập đoàn chịu áp lực nợ vay lớn, gần đây đã triển khai các giải pháp tái cấu trúc đáng chú ý. Cụ thể, công ty đã lên kế hoạch mua lại trước hạn 7.000 tỷ đồng trái phiếu, thực hiện qua hai đợt. Đợt 1 vào đầu tháng 1, Novaland đã hoàn tất mua lại 5 gói trái phiếu với tổng giá trị 1.550 tỷ đồng. Đợt 2 vào đầu tháng 2, công ty tiếp tục mua lại 15 gói trái phiếu với tổng giá trị lên đến 5.110 tỷ đồng. Tính đến nay, Novaland đã hoàn tất mua lại 20 gói trái phiếu trị giá tổng cộng 6.660 tỷ đồng và đang lên kế hoạch để mua lại nốt gói trái phiếu còn lại trong thời gian tới.

Sau hơn 2 năm nỗ lực tái cấu trúc, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ phải trả của Novaland đã giảm mạnh, với giá trị gần 29.700 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Công ty cũng nhận được hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng lớn, với hạn mức tài trợ 18.200 tỷ đồng, giúp đảm bảo dòng vốn cho các dự án trọng điểm.

Cùng với Novaland, nhiều doanh nghiệp khác như An Gia, Phát Đạt và Nam Long cũng đã tích cực cơ cấu lại nợ vay, với một số công ty hoàn tất việc trả nợ trái phiếu trong năm 2024. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp như Nam Long (0,47 lần), An Gia (0,45 lần), Khang Điền (0,36 lần) hiện ở mức an toàn.

Nhiều chủ đầu tư đã tích cực tái cơ cấu nợ, đặc biệt là giảm nợ vay và xử lý trái phiếu đến hạn

Tuy nhiên, dù có những bước tiến trong việc giảm nợ, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn như giai đoạn trước. Chẳng hạn như Thuduc House, Novaland, LDG, TTC Land, DRH Holdings... vẫn gặp khó khăn và chìm trong thua lỗ. Một số công ty có dấu hiệu khởi sắc nhưng doanh thu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình các năm trước. Điều này cho thấy nhiều chủ đầu tư có thể sẽ không hoàn thành mục tiêu tài chính đã đề ra.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, doanh thu bất động sản trong năm nay sẽ có sự cải thiện rõ rệt. Chính phủ đang đẩy mạnh việc phê duyệt pháp lý cho các dự án quan trọng và tăng cường cấp phép mới cho những dự án đủ điều kiện mở bán. Khi các dự án này được triển khai ra thị trường, doanh số bán hàng sẽ tăng, đồng thời giúp các chủ đầu tư thu về dòng tiền đáng kể.

Tuy nhiên, nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Dù tín dụng có dấu hiệu tích cực, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp chỉ đang xoay vòng vốn vay, trong khi lãi suất chưa được thanh toán đầy đủ. Vì vậy, theo ông Hiển, dù năm 2025 có một số chuyển biến tích cực, nhưng vẫn sẽ là một năm khó khăn chung với ngành bất động sản. Phải từ năm 2026 trở đi, khi nền kinh tế dần ổn định, thị trường mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.