Mới đây, vào đầu tháng 1/2025, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2025, tương tự như chính sách giảm tiền thuê đất giai đoạn 2021 – 2024. Hầu hết các chuyên gia đề cho rằng, chính sách này là hoàn toàn cần thiết và đúng thời điểm.
Cách tính giá đang là “nút thắt”
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp, tạo thêm nguồn lực để họ phục hồi sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Toản cũng chỉ ra những điều cần lưu ý nếu chính sách được thực thi. Theo đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, đang gặp khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất. Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương đã điều chỉnh bảng giá đất với mức tăng đáng kể, thậm chí có nơi tăng tới 300%, khiến đơn giá thuê đất tăng đột biến.
Điều này làm phá vỡ kế hoạch tài chính của doanh nghiệp, từ dòng tiền, doanh thu cho đến lợi nhuận. Vì vậy, ông Toản cho rằng việc giảm tiền thuê đất là hợp lý đối với các địa phương có mức điều chỉnh vừa phải. Tuy nhiên, với những nơi giá đất tăng quá cao, mức giảm 30% vẫn chưa đủ để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự chênh lệch trong cách tính giá thuê đất giữa các địa phương cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Theo đó, có những tỉnh liền kề nhau nhưng giá thuê đất lại chênh lệch 30% - 40%, tạo ra sự bất hợp lý trong môi trường kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, ông Toản đề xuất Bộ Tài chính cần xây dựng một bộ quy chuẩn chung, hướng dẫn cụ thể phương pháp tính giá thuê đất để đảm bảo sự đồng bộ trên cả nước, giúp doanh nghiệp có sự ổn định trong kế hoạch tài chính.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý, nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương, phụ thuộc đáng kể vào tiền thuê đất và đấu giá đất. Do đó, việc giảm tiền thuê đất sẽ tác động đến nguồn thu tại các địa phương. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhưng mức độ tác động thực tế vẫn còn phụ thuộc vào bảng giá đất năm 2025 tại từng địa phương, khi nhiều nơi đã điều chỉnh giá lên mức cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Công ty Bất động sản G24, cho rằng cần xác định đúng đối tượng hưởng chính sách để đảm bảo công bằng xã hội, giúp cả doanh nghiệp nhỏ lẫn lớn đều được hỗ trợ. Chính sách này phải tập trung vào những trường hợp thực sự khó khăn, tránh tình trạng cào bằng, vừa gây bất bình vừa ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính quốc gia.
Chính sách giảm tiền thuê đất không ảnh hưởng đến ngân sách
Nhìn nhận ở góc độ vĩ mô, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng mức giảm cao hơn, nhất là những ngành chịu tác động mạnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng và sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đề xuất giảm 30% tiền thuê đất là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khó có thể yêu cầu mức cao hơn.
Mức giảm này giúp doanh nghiệp dễ dàng tính toán lợi ích, trong khi ngân sách nhà nước cũng có thể dự trù tác động tài chính. Đặc biệt, việc giảm 30% tiền thuê đất tác động trực tiếp đến dòng tiền doanh nghiệp, giảm chi phí cố định, tăng khả năng phục hồi sau khó khăn kinh tế.
Đối với lĩnh vực bất động sản, chính sách này góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu thị trường và tháo gỡ khó khăn cho ngành. Hơn nữa, việc triển khai chính sách cũng thuận lợi, có thể áp dụng đồng loạt trên cả nước mà không cần cơ chế phân loại phức tạp.

Do vậy, để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, việc giảm tiền thuê đất cần được đánh giá kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến các kế hoạch chi tiêu công quan trọng. Đồng thời, chính sách cần đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh tình trạng doanh nghiệp lớn hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ hoặc các doanh nghiệp không thực sự khó khăn vẫn nhận ưu đãi.
Trên thực tế, chính sách giảm tiền thuê đất đã được thực hiện từ năm 2020 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch bệnh và thiên tai. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Dù có thể làm giảm nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là chính sách cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số tiền thuê đất được giảm trong năm 2020 là 2.890 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2023 trung bình là 3.734 tỷ đồng/năm, riêng năm 2024 dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương 0,26% tổng thu ngân sách nhà nước và 9% số thu từ tiền thuê đất.
Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm này không ảnh hưởng lớn đến tổng thu ngân sách Nhà nước nhưng lại hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp ổn định và phát triển, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng sẽ tăng, giúp bù đắp phần sụt giảm từ tiền thuê đất. Vì vậy, chính sách này không chỉ mang tính hỗ trợ ngắn hạn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế lâu dài.