Nhiều vợ chồng trẻ phải bán nhà sau nhiều năm gồng mình trả góp

Chỉ sau 2 năm, ước mơ đã chuyển thành ác mộng khi lãi suất tăng cao, công việc bấp bênh, gia đình anh Hà phải giảm gần như mọi chi tiêu, không dám đi du lịch, mua sắm...thậm chí những bữa ăn hàng ngày cũng phải tính toán sao cho tiết kiệm nhất. Không thể gồng nổi, vợ chồng Hà đã phải bán nhà đi để trả nợ.

Mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện của anh Mạnh Vũ (30 tuổi, nhân viên văn phòng) về gánh nặng khi vay tiền mua nhà. Cụ thể, cách đây 3 năm, với thu nhập 50 triệu đồng/tháng, 2 vợ chồng chọn mua một căn hộ chung cư tại quận Hoàng Mai có diện tích 84m2 với giá 2,3 tỉ đồng. Với khoản tiền tiết kiệm 600 triệu, còn lại đi vay ngân hàng, bạn bè và người thân.

Không phải ai cũng có đủ khả năng chi trả

Sau khi nhận nhà, vợ chồng anh đã đầu tư thêm một khoản lớn để sửa sang theo ý muốn, với thu nhập ổn định và tự tin có thể trả lãi ngân hàng hơn 10 triệu đồng/tháng. Năm đầu tiên, với sự hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng, mọi việc suôn sẻ. Nhưng sang năm thứ hai, lãi suất thả nổi và con ốm đau liên tục khiến gia đình rơi vào khó khăn.

Công việc của vợ chồng anh cũng gặp nhiều trắc trở, cùng với đó là đối mặt với khoản lãi ngân hàng lên đến 15 triệu đồng/tháng và áp lực từ bạn bè, người thân đòi nợ. Có tháng, ngoài 15 triệu tiền lãi, họ còn phải nhận 3-4 cuộc gọi đòi nợ với tổng số tiền lên đến 100 triệu đồng.

Cuộc sống gia đình bắt đầu xáo trộn, anh phải bán xe máy SH, máy ảnh, cắt giảm chi tiêu trong nhà để trả nợ. Mẹ anh Vũ phải nhận việc dọn nhà thuê theo giờ, còn hai vợ chồng làm thêm giờ, ngày đêm chỉ để trả nợ và giữ lại căn nhà mơ ước. Đã có lúc gia đình anh tính đến phương án bán nhà trả nợ, nhưng do giá nhà tăng đột biến, dù bán đi cũng không đủ tiền mua một căn hộ nhỏ hơn.

Việc hạ lãi suất có thể giúp giảm bớt áp lực tài chính hàng tháng cho người mua nhà

Tương tự, câu chuyện của Minh Hà (28 tuổi) cũng là một trong những ví dụ điển hình của việc “mạnh dạn vay ngân hàng” để mua nhà. Sau khi vay 1,5 tỉ đồng để mua nhà với lãi suất cố định ở mức thấp trong 1 năm đầu. Tại thời điểm đó, với mức thu nhập ổn định của cả 2 vợ chồng, việc trả nợ hàng tháng dường như không khó khăn.

Thế nhưng chỉ sau 2 năm, ước mơ đã chuyển thành ác mộng khi lãi suất tăng cao, công việc bấp bênh, áp lực buộc gia đình Hà phải giảm gần như mọi chi tiêu, không dám đi du lịch, mua sắm...thậm chí những bữa ăn hàng ngày cũng phải tính toán sao cho tiết kiệm nhất. Mỗi tháng, họ chỉ biết nhìn số tiền tiết kiệm dần cạn kiệt trong khi khoản nợ vẫn không ngừng gia tăng.

Không thể gồng nổi, vợ chồng Hà đã phải bán nhà đi để trả nợ, số tiền bán nhà còn lại cũng không đủ để mua 1 căn hộ nhỏ với mức giá hiện nay. 2 vợ chồng lại quay lại cảnh ở thuê, nhưng không nợ nần.

Vấn đề chính vẫn là giá nhà

Tại một hội thảo về thị trường bất động sản mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, các gói tín dụng hiện nay chưa phù hợp để hỗ trợ người dân mua nhà, và mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ đến năm 2030 có khả năng sẽ không đạt được.

Cũng theo ông Hiếu, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2024 có thể đạt 4.700 USD, tương đương 12 triệu đồng/tháng.Giả sử vay 2 tỷ đồng với lãi suất cố định 5%/năm trong 20 năm để mua một căn hộ giá 2,5 tỉ đồng, người vay sẽ phải trả khoảng 13 triệu đồng/tháng. Nếu lãi suất vượt 5% hoặc thời gian vay ngắn hơn 20 năm, việc mua nhà sẽ trở nên rất khó khăn, ngay cả khi người mua tiếp cận các gói vay ưu đãi như 120.000 tỉ ồng hay 30.000 tỉ đồng.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh việc, không thể trông cậy vào các ngân hàng thương mại để cung cấp nguồn vốn dài hạn vì 70-80% vốn huy động của họ là vốn ngắn hạn. Điều này có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản cho ngân hàng, khi họ phải vay thêm vốn mới với lãi suất cao hơn để trả nợ cũ, khiến lãi suất nền kinh tế ngày càng tăng.

Dù có hỗ trợ lãi suất 5%, nhưng với giá nhà ở mức 60-70 triệu đồng/m², vẫn là quá cao đối với người có nhu cầu mua nhà

Từ những thực tế trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nguồn vốn nên đến từ ngân sách nhà nước, thông qua việc huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn ngắn, trung, và dài hạn từ 10 đến 30 năm. Trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lãi suất 3% là hợp lý và số tiền này có thể chuyển giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các ngân hàng thương mại để hỗ trợ chương trình cho vay mua nhà ở xã hội.

Có góc nhìn xa hơn về thị trường, TS. Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn tài chính. Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều rủi ro, lượng hàng tồn kho lớn, thủ tục hành chính kéo dài, làm cho việc phê duyệt các dự án gặp khó khăn.

Khi rủi ro gia tăng, các tổ chức tín dụng sẽ trở nên thận trọng hơn. Trong khi đó, người vay cũng có nhiều nỗi lo khiến các gói tín dụng hỗ trợ rơi vào tình trạng bị “thờ ơ”. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được tác dụng. Do vậy, ông Dương đồng tình với ông Hiếu về lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức 5%/năm nhưng cần giải quyết vấn đề giá nhà trước.

Dù có hỗ trợ lãi suất 5%, nhưng với giá nhà ở mức 60-70 triệu đồng/m², vẫn là quá cao và không thực sự khả thi. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn, nhưng cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả và thực chất thì nguồn vốn mới được giải ngân, tránh tình trạng bị đình trệ.