Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 8/11, cả nước ghi nhận 331 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 315.792 tỷ đồng, trong khi chỉ có 21 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 32.114 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng giá trị phát hành. Xét thời gian xa hơn, trong cả giai đoạn 2018 – 2023 tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng luôn ở mức tấp chỉ từ 4,1% - 9,09%.
Tổ chức phát hành “thờ ơ”
Theo bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc quỹ PVI A.M, cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cuối năm 2022, sau khi các vi phạm liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị phát hiện, đã cho thấy nhà đầu tư cá nhân là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Phần lớn các nhà đầu tư này nắm giữ trái phiếu phát hành riêng lẻ từ các doanh nghiệp chưa đại chúng, chưa niêm yết, thông tin không minh bạch và tài sản bảo đảm không rõ ràng.
Mặc dù tỷ lệ dư nợ trái phiếu riêng lẻ do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ đã giảm dần, đến cuối năm 2023, tỷ trọng này vẫn ở mức cao, trên 30%, so với mức 8-10% của các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, và công ty chứng khoán.
Trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng để nâng cao tính minh bạch và cung cấp sản phẩm chất lượng hơn cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, TPDN phát hành ra công chúng vẫn chỉ chiếm dưới 10% tổng giá trị phát hành, trong khi phát hành riêng lẻ vẫn chiếm hơn 90%.
Nguyên nhân do thủ tục của phát hành trái phiếu công chúng khá nghiêm ngặt. Theo đó, doanh nghiệp phải có hoạt động kinh doanh có lãi trong 2 năm liên tục trước thời điểm đăng ký chào bán và không được có lỗ lũy kế.
Trong khi đó, TPDN riêng lẻ vừa không cần xin cấp phép lại có thể chủ động lựa chọn đối tác. Thực tế, nhiều đợt phát hành riêng lẻ với giá trị lớn được thực hiện bởi các doanh nghiệp ít tên tuổi, thậm chí có đơn vị mới thành lập chưa đến 1 năm, thông tin còn hạn chế. Ngoài ra, trong giai đoạn thị trường TPDN phát triển nóng, một số tổ chức phát hành thường phát hành trái phiếu riêng lẻ theo một “mô típ” chung là một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp có liên quan đến họ sẽ “ôm” toàn bộ, sau đó phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân.
Để kiểm soát tình trạng này, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận đã có thêm quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép mua TPDN riêng lẻ trong hai trường hợp: khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm, hoặc khi doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán từ một tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định này sẽ làm thu hẹp thanh khoản của thị trường trái phiếu và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ do sẽ khó tìm kiếm người mua hơn.
Nới điều kiện về thủ tục hành chính để đẩy mạnh phát hành
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng nếu siết chặt kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ, cần phải mở rộng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng để tránh làm tắc nghẽn thị trường trái phiếu. Nếu không, thị trường sẽ bị thắt chặt ở cả hai đầu.
Trong các bản dự thảo trước đây của Luật Chứng khoán sửa đổi, Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo, còn đề xuất siết chặt cả điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, yêu cầu phải có tài sản bảo đảm hoặc có ngân hàng thương mại bảo lãnh. Tuy nhiên, trong bản dự thảo mới nhất đã không thêm những điều kiện này, song cũng chưa có động thái “mở”.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các điều kiện khắt khe, yếu tố lớn nhất khiến doanh nghiệp ngần ngại phát hành trái phiếu ra công chúng là thủ tục niêm yết phức tạp và kéo dài, thường từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi cơ hội kinh doanh đến rất nhanh nhưng cũng có thể trôi qua nhanh chóng, nếu phải chờ đợi quá lâu để hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng được xét duyệt, doanh nghiệp sẽ dễ dàng bỏ lỡ cơ hội.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng để thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng, điều cần thiết là rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu thời gian xét duyệt chỉ còn vài tuần, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Phát hành trái phiếu ra công chúng là thông lệ quốc tế, đồng thời là hướng đi duy nhất để giúp thị trường trái phiếu phát triển minh bạch và bền vững. Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp giám sát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp tốt hơn, tăng tính minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.
Dù dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi không bổ sung các quy định về trái phiếu công chúng, nhưng các chuyên gia cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động rà soát lại quy trình, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng. Còn đồi với các yêu cầu minh bạch thông tin, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghiêm túc.