Phiên đấu giá 27 thửa đất tại Hà Đông, Hà Nội: Giá trúng cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m2

Trái với dự đoán ban đầu của nhiều người, phiên đấu giá 27 thửa đất tại quận Hà Đông (Hà Nội) đã kết thúc với mức giá trúng cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m2. Nhiều người tham gia phiên đấu giá đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì giá … “quá ảo”.

Ngày 19/10, quận Hà Đông (Hà Nội) đã tổ chức phiên đấu giá cho 27 thửa đất tại các khu vực: xứ đồng Hạ Khâu, Đống Đanh - Đồng Cộc, Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B, phường Phú Lương); khu Sau Chùa (ký hiệu X8, phường Yên Nghĩa); và khu Dược (ký hiệu X7, phường Dương Nội). Các lô đất có giá khởi điểm dao động từ 22,8 – 32,2 triệu đồng/m2. 

Cuộc đấu giá được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng, tối thiểu từ 5 đến 11 vòng đấu bắt buộc, với bước giá chung áp dụng là 10 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá diễn ra với sự tham gia của 212 nhà đầu tư. Người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền còn lại trong vòng 30 ngày, cùng với các khoản lệ phí và thuế liên quan như phí công chứng và thuế trước bạ. Nếu không thanh toán đúng hạn, họ sẽ mất tiền đặt cọc và quyền sở hữu đất.

“Cò” chào bán chênh đến 600 triệu đồng/m2

Sau 15 tiếng và 14 vòng đấu, phiên đấu giá đất tại Hà Đông, Hà Nội kết thúc vào khuya ngày 19/10 với mức trúng cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m2, gấp hơn 8 lần giá khởi điểm thuộc về lô đất 1A-03 thuộc khu Đống Đanh - Đồng Cộc (phường Phú Lương), đạt mức 262 triệu đồng/m2. 

Lô đất này có diện tích 57,5 m2, sở hữu hai mặt tiền và nằm sát nghĩa trang, trong khu vực có hạ tầng đồng bộ. Vị trí lô đất cách đường quốc lộ 21B khoảng 1,7 km, với tổng giá trị trúng lên tới 15 tỷ đồng, cao hơn gấp 8 lần so với giá khởi điểm.
 

Nhiều người đã đến phiên đấu giá tại quận Hà Đông từ rất sớm để làm thủ tục tham gia

Một lô đất khác, B1-16 tại khu Hạ Khâu (phường Phú Lương), được bán với giá 146 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần so với giá khởi điểm. Lô thấp nhất trong phiên cũng đạt trên 140 triệu đồng/m2, gấp 6 lần giá ban đầu.

Mặc dù phiên đấu giá kéo dài tới khuya, bên ngoài khu vực vẫn có nhiều "cò" đất tích cực chào bán các lô đất với mức chênh từ 500 đến 600 triệu đồng/lô. Ví dụ, lô 1B-16 ở Hạ Khâu, diện tích 62,5 m2, trúng giá 146 triệu đồng/m2 (tương đương 9,1 tỷ đồng) đã được chào bán với mức chênh 600 triệu đồng, đẩy giá lên hơn 9,7 tỷ đồng/lô.

Tương tự, lô 2B-16 cũng ở Hạ Khâu được bán chênh 400 triệu đồng, nâng giá trị lên hơn 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý mua đất, nhiều "cò" đã nhanh chóng hạ mức chênh từ 100-200 triệu đồng/lô.

Đặc biệt, sau 7 vòng đấu, nhiều người tham gia đấu giá đã rời đi vì giá đất vượt kỳ vọng. Một nhà đầu tư ra về lúc 16h chia sẻ “Giá đã vượt quá 10 tỷ đồng mỗi lô, không thể theo nổi”. Tương tự, chị Anh Thơ (27 tuổi, quận Cầu Giấy), người tham gia trực tiếp buổi đấu giá, cho biết chị dự định mua 3 lô đất để xây nhà vừa ở vừa kinh doanh. Tuy nhiên, khi giá đất tăng lên 146 triệu đồng/m2, chị đã quyết định dừng lại.

Chị Thơ nhận xét "Hầu hết người dân muốn mua đất thật thường chỉ tham gia đấu giá với mức giá cao nhất khoảng 120 triệu/m2.Giá đất hiện tại thật sự quá cao".

Anh Đặng Dũng, tham gia đấu giá để mua một lô đất tại khu Yên Nghĩa, cũng đã từ bỏ sau vòng đấu giá thứ 6. Anh cho biết chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giá đã tăng lên 130 triệu đồng/m2, mức giá này không phản ánh đúng giá thị trường và những người như anh gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Đầu cơ vẫn chưa thể “trầm tĩnh”?

Với diễn biến thực tế tại phiên đấu giá, nhiều người bày tỏ lo ngại sẽ tái diễn tình trạng bỏ cọc hàng loạt như tại phiên đấu giá huyện Thanh Oai. Bởi trước khi phiên đấu giá diễn ra, khá nhiều nhà đầu tư nhận định các lô đất trong phiên đấu này chủ yếu là lô còn lại từ các phiên đấu trước và bước giá 10 triệu đồng/m2 khiến nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Dự đoán, giá trúng sẽ dao động trong khoảng 80-120 triệu đồng/m2, không quá cao do thị trường đất đấu giá hiện nay đã có những thay đổi sau các chỉ đạo từ cơ quan chức năng.
 

Lô trúng giá cao nhất ghi nhận 262 triệu đồng/m2

Giải thích rõ hơn về dự đoán này, anh Thanh Hải – một nhà đầu tư từ huyện Ứng Hòa cho biết, với giá khởi điểm khoảng 30 triệu đồng/m2 và điều kiện phải đấu liên tục 5 vòng, cùng với mỗi bước giá là 10 triệu đồng/m2, số tiền cần trả cho mỗi bước đấu lên đến 600 triệu đồng cho lô đất nhỏ nhất 60m2. Điều này khiến các nhà đầu tư khó lòng đẩy giá cao hơn.

Cũng theo anh Hải, tâm lý của các nhà đầu tư hiện nay khi tham gia các phiên đấu giá chủ yếu là dựa vào may rủi. Nếu lô đất trúng đấu giá có ít hồ sơ và giá thấp hơn thị trường, họ có thể kiếm được chút chênh lệch vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết các phiên đấu gần đây đều có giá trúng sát với giá thị trường, khiến cơ hội để đẩy giá chênh lệch không nhiều.

Đồng tình, anh Đức Anh (nhà đầu tư từ huyện Đông Anh) cho biết thêm, trước đây mỗi bước giá chỉ là 2 triệu đồng/m2, nhà đầu tư có thể dễ dàng đẩy giá, nhưng với bước giá 10 triệu đồng/m2 hiện tại, họ chỉ có thể đấu ở mức giá sát thị trường, khó có thể đấu cao hơn.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã gửi tới Văn phòng Chính phủ một báo cáo phân tích cấu trúc chi phí, giá bán và các nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá bất động sản, kèm theo các đề xuất giải pháp. Báo cáo cho biết trong các cuộc đấu giá đất, có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên nghiệp tham gia đấu giá và sau đó ngay lập tức bán lại để thu lợi từ 200 đến 500 triệu đồng mỗi lô đất.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số địa phương, còn xảy ra hiện tượng cò đấu giá và thông đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá. Những hành vi này bao gồm việc đưa ra mức giá rất cao cho một số lô đất, sau đó bỏ cọc, tạo ra các mức giá ảo nhằm thao túng thị trường. Các hội nhóm này mua lại nhiều lô đất trúng đấu giá để thu lợi bất chính, và những hành vi này đang diễn ra phổ biến và có tổ chức ở nhiều nơi.

Cử tri kiến nghị về chuyện trúng thầu bỏ cọc

“Thời gian gần đây có trường hợp giá trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó người đấu giá trúng bỏ cọc, dẫn đến tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng có giải pháp không để xảy ra tình trạng trên”, Đó là một trong những nội dung tại báo cáo Tổng hợp ý kiến của cử tri Hà Nội trước kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XV được Đoàn ĐBQH HÀ Nội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.