Những năm gần đây, vận tải đường bộ phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng chóng mặt về cả số lượng và chất lượng để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, con số này đã lên 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần.
Trong đó, số lượng xe hợp đồng (trong đó có loại hình xe chở khách lẻ - hay được gọi là xe hợp đồng trá hình) chiếm gần 70% tổng số xe khách, trở thành loại hình vận tải đóng vai trò lớn nhất trong vận chuyển hành khách.
Với dịch vụ đưa đón tận nhà, xe hợp đồng đang được rất nhiều người lựa chọn. Loại xe này hoạt động theo hình thức hợp đồng chở khách riêng lẻ nên không vào bến. Để quản lý, nhiều ý kiến cho rằng cần xếp xe hợp đồng trá hình như xe khách cố định. Điều đó đồng nghĩa, xe hợp đồng trá hình phải vào bến.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại đánh giá, không nên đưa tất cả xe hợp đồng vào bến như tuyến cố định bởi sẽ làm mất tính hấp dẫn, thuận tiện của loại hình này.
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phân Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, xe hợp đồng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách, được nhiều người lựa chọn. Nhờ ứng dụng công nghệ, người làm vận tải và hành khách có thể kết nối với nhau dễ dàng. Trong khi, bến xe dành cho xe khách tuyến cố định lại ở xa trung tâm, thiếu điểm đón trả khách khu vực nội đô. Thêm vào đó, hành khách đi ngoại tỉnh cũng khó tìm thông tin lộ trình ở các bến xe.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải còn cho hay, hiện tại cũng chưa có thống kê nào đánh giá các bến xe có khả năng đáp ứng khi đưa tất cả xe hợp đồng vào bến hay không.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, bản chất xe hợp đồng là linh hoạt, có thể thỏa thuận điểm đón trả… Nếu quản lý giống xe tuyến cố định sẽ không còn bản chất của loại xe này.
Còn ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, trong nền kinh tế thị trường, người sử dụng dịch vụ sẽ quyết định xu thế phát triển của loại hình dịch vụ đó. Với tiện ích hơn hẳn so với các tuyến xe khách cố định, xe hợp đồng thời gian qua đã phát triển rất mạnh.
Dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi quy định: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (xe hợp đồng - PV) là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng ô tô để vận tải hành khách theo hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe.
Ông Quyền cho rằng, với định nghĩa như trên, xe hợp đồng trá hình sẽ không còn nằm trong tiêu chí của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu xếp loại hình kinh doanh vận tải này vào loại hình cụ thể.
Theo ông Quyền, đa số các xe thuộc loại hình này chỉ chạy ở cự ly 200km trở lại, vậy có nhất thiết phải vào bến, hoặc có thể cho phép các xe được đón trả khách ở những vị trí hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cùng cho rằng, ngoài các bến xe đã quy hoạch nên quy định thêm các vị trí đón trả khách như bến tạm mà cả xe tuyến cố định và xe hợp đồng đều có thể sử dụng, làm sao để phục vụ tốt nhất cho người dân. Thông tin về những bến này cần được công khai để người dân nắm được.
GS.TS. Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải đánh giá, quản lý xe hợp đồng đón, trả khách trong nội thành cần có lộ trình. Ông kiến nghị giải pháp trước mắt nên chăng xác định các vị trí có thể thành lập "bến xe ảo" với thời gian dừng, đỗ của mỗi phương tiện khoảng 3 - 5 phút ở khu vực nội thành, ngoại thành.
Tuyến đường nào không cấm dừng đón - trả khách, phương tiện đều có thể hoạt động. Tuy nhiên, có thể hạn chế hoạt động này trong khung giờ cao điểm để đảm bảo an toàn.
Ông lưu ý, trong lúc chờ dự thảo Luật Đường bộ được thông qua cũng như các quy định mới được ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn cần phải chấp hành nghiêm quy định, phải luôn đặt đảm bảo an toàn giao thông lên hàng đầu.