Đặt camera quay lén: Hành vi vô đạo đức, hậu quả nặng nề nhưng mức phạt chưa tương xứng

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, việc lắp camera quay lén hình ảnh nhạy cảm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, được xem là một dạng quấy rối tình dục. Dù với bất kỳ lý do gì thì hành vi này vẫn cần phải bị lên án, xử lý nghiêm.

Sau vụ người mẫu Châu Bùi đăng tải bài viết chia sẻ về việc bản thân bị quay lén tại một studio chụp hình ở TP.HCM thì nhiều cô gái cũng lên tiếng "tố" từng bị chủ nhà trọ lắp camera quay lén gây bức xúc.

Dư luận cho rằng, những kẻ quay lén này thường có sở thích lệch lạc, biến thái hoặc nhằm mục đích khác như dùng hình ảnh "nhạy cảm" để tống tiền hoặc phát tán, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của nạn nhân… Điều này có thể dẫn đến sự khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc của người bị hại.

Theo các chuyên gia, tình trạng xâm phạm nghiêm trọng đời tư người khác đang dần trở nên nhức nhối, tuy vậy, mức phạt dường như chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi.

Phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM về vấn đề này.

Ngay sau vụ người mẫu Châu Bùi phát hiện bị quay lén khi đang thay đồ tại một studio thì thời gian gần đây, nhiều cô gái cũng tố từng bị chủ nhà trọ có hành vi tương tự. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Luật sư Trần Minh Hùng: Thực trạng một số đối tượng lợi dụng sơ hở của các nạn nhân để lắp đặt các thiết bị ghi hình nhằm quay lén trong nhà vệ sinh, trong khách sạn, nhà trọ … đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua, luôn là tình trạng đáng báo động, gây bức xúc trong dư luận.

Sự việc người mẫu Châu Bùi phát hiện hành vi quay lén gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng nguy hiểm này

Khi sự việc xảy ra với người mẫu nữ Châu Bùi, đây là hồi chuông cảnh báo đối với mọi người, đặc biệt là nữ giới trong việc sử dụng các biện pháp an toàn cần thiết nhằm bảo vệ hình ảnh, danh dự, nhân phẩm của bản thân. Ngay sau đó, các cô gái đã đề phòng, cảnh giác hơn, do đó đã có thể phát hiện thêm hàng loạt hành vi quay lén được diễn ra tại nhà trọ.

Hành vi quay lén người khác là hành vi vi phạm pháp luật xuất phát từ nhiều động cơ, mục đích khác nhau như để thỏa mãn sở thích lệch lạc của bản thân, bôi nhọ xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác hay nhằm mục đích phát tán lên các trang mạng xã hội nhằm “câu view”, “câu like” … Đây cũng được xem là một dạng quấy rối tình dục. Dù vì bất kỳ lý do gì thì hành vi quay lén người khác cũng là vi phạm pháp luật, cần phải bị lên án, tiễu trừ

Dưới góc độ pháp luật, hành vi này vi phạm thế nào? Có thể đối mặt với khung hình phạt ra sao? Thưa ông?

Luật sư Trần Minh Hùng: Lắp camera quay lén tại các nhà trọ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền hình ảnh, quyền về bí mật đời tư của người khác được pháp luật bảo vệ. Tùy mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định pháp luật.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bên cạnh đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng về hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục theo quy định tại điểm đ Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Nếu người quay lén có hành vi đem những video, hình ảnh này phát tán hoặc bán trên các “web đen” để kiếm tiền thì hình phạt sẽ thế nào?

Luật sư Trần Minh Hùng: Nếu người quay lén đem những video, hình ảnh này phát tán lên mạng xã hội nhằm mục đích làm nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, người vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Nếu có hành vi sao chép, lưu hành, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến, phát tán hình ảnh, video có nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Hành vi này rất nghiêm trọng, tuy nhiên, dư luận cho rằng mức xử phạt chưa tương xứng. Ví dụ vụ việc một nữ sinh trọ tại quận Hà Đông (Hà Nội) phát hiện bị chủ nhà trọ lắp camera quay lén trong thời gian dài, cơ quan chức năng quận Hà Đông đã xử phạt vi phạm hành chính thủ phạm 12,5 triệu đồng. Ông nhìn nhận thế nào về mức xử phạt? Theo ông, nên tăng mức xử phạt thế nào?

Luật sư Trần Minh Hùng: Hiện nay, mức chế tài đối với các hành vi lắp đặt camera quay lén người khác chưa thật sự phù hợp với tính chất của hành vi. Việc lắp đặt camera quay lén người khác gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền hình ảnh, bí mật đời tư cá nhân của người khác được pháp luật bảo vệ.

Đồng thời, đối với các cô gái sau khi phát hiện bị quay lén cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của họ, gây hoang mang, suy sụp tinh thần, ám ảnh trong suốt thời gian dài. Thậm chí có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn khi nạn nhân vì nghĩ quẩn, không thoát ra được mà chọn kết thúc cuộc sống.

Liên tiếp các vụ lắp camera siêu nhỏ để quay lén phụ nữ bị phát hiện

Tôi cho rằng mức chế tài trên là quá thấp chưa phù hợp với mức độ nghiêm trọng của hành vi gây nên. Cần phải nghiên cứu, thống nhất để tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trên một cách thỏa đáng, tránh được những bức xúc, phẫn nộ trong dự luận.

Các camera ngụy trang siêu nhỏ hiện rất dễ mua bán. Ông có cho rằng cần kiểm soát kỹ lưỡng trong việc mua bán hơn mặt hàng này? Giải pháp kiểm soát là gì?

Luật sư Trần Minh Hùng: Việc các camera ngụy trang siêu nhỏ hiện rất dễ tìm kiếm, được rao bán tràn lan khắp nơi trên các trang mạng xã hội một cách công khai mà không bị kiểm soát tiềm ẩn nhiều mối nguy hại nghiêm trọng cho cá nhân, cộng đồng và xã hội như lộ thông tin cá nhân, mất quyền riêng tư, bí mật đời tư cá nhân.

Hành vi này còn gián tiếp gây mất an ninh trật tự xã hội khi tạo điều kiện cho hàng loạt các hành vi tội phạm khác nhau như trộm cắp, lừa đảo, tống tiền …

Do đó, cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ việc mua bán, sử dụng các thiết bị như camera ngụy trang siêu nhỏ thông qua các giải pháp như ban hành khung hệ thống quy định pháp luật nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh, điều kiện sử dụng các thiết bị, tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các tác hại nghiêm trọng và các rủi ro pháp lý đáng tiếc của việc sử dụng, mua bán các thiết bị camera siêu nhỏ này.

Xin cảm ơn ông!