Sau 2 vụ sai sót điểm thi vào lớp 10: Chất lượng khâu tổ chức thi cử khiến nhiều người lo ngại

Sai sót điểm thi vào lớp 10 tại Thanh Hóa và Thái Bình đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các thí sinh, đồng thời làm giảm uy tín của ngành Giáo dục. Những sai sót này còn đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng của công tác tổ chức thi cử, nhất là khi lỗi lại do cán bộ thi.

Chiều ngày 8/10, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã thông báo kết quả kiểm tra và rà soát điểm thi của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 sau khi nhận được đơn thư phản ánh.

Theo đó, Thanh tra Sở đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện sai sót trong kết quả thi của thí sinh C.T.H. (SN 2009) số báo danh 721xxx tại hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn).

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đang giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi của thí sinh

Ban đầu, điểm thi công bố của thí sinh C.T.H. gồm toán 8 điểm, ngữ văn 8,5 điểm và tiếng Anh 6,4 điểm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại bài thi, kết quả chính xác là toán 4,5 điểm, ngữ văn 6,5 điểm và tiếng Anh 2,4 điểm. Sự cố này xuất phát từ việc "nhầm lẫn" trong quá trình hồi phách và nhập điểm tại hội đồng chấm thi THPT Ngọc Lặc.

Với điểm chuẩn vào Trường THPT Lê Hồng Phong, thí sinh C.T.H. không đủ điểm đậu vào lớp 10. Ngày 25/9, hội đồng thi của trường đã ra thông báo về việc thí sinh này không đạt yêu cầu và phải dừng học. Trước đó, C.T.H. từng được công bố là thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường.

Ông Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết, sau khi xảy ra sự cố nhầm điểm của thí sinh C.T.H., ông cùng tổ hồi phách và lên điểm đã phối hợp với Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo để giải quyết vụ việc.

Ông Vũ Ngọc Liêm cùng các thành viên trong tổ thừa nhận, do áp lực công việc và sự mất tập trung, đã dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc ghi điểm của thí sinh C.T.H. Các thành viên khẳng định, việc nhầm điểm này hoàn toàn không có ý đồ cố ý. Đây là một sự việc đáng tiếc xảy ra tại hội đồng chấm thi, hoàn toàn không có yếu tố tiêu cực và sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức xử lý từ cấp trên. Ông Liêm đã nhận trách nhiệm về sự nhầm lẫn và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh và học sinh.

Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết lãnh đạo Sở sẽ có buổi làm việc với Trường THPT Lê Hồng Phong và phụ huynh của thí sinh nhằm đảm bảo quyền lợi học tập cho em. Đồng thời, Sở sẽ xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể liên quan đến sai sót này.

Danh sách kết quả thay đổi điểm số sau khi phúc khảo trong kỳ thi lớp 10 ở Thái Bình

Trước đó, tại Thái Bình cũng đã xảy ra tình trạng nhầm lẫn điểm trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Cụ thể, khi kết quả của kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh Thái Bình được công bố, nhiều phụ huynh, giáo viên, thí sinh bất ngờ bởi điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài. Nghi ngờ kết quả này, nhiều phụ huynh đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Vào cuộc điều tra, Thanh tra tỉnh Thái Bình xác định có 2.997 bài thi bị lệch phách, dẫn đến sai lệch điểm của 2.750 bài thi, 49 bài thi bị sai sót trong quá trình ghi điểm và nhập điểm, trong đó 19 bài thi có điểm sai so với bảng điểm đã công bố. Tổng cộng, có 2.769 bài thi tự luận bị sai điểm, trong đó 1.368 bài thi có điểm cao hơn so với điểm công bố ban đầu và 1.401 bài thi có điểm thấp hơn so với điểm đã công bố.

Hai vụ việc sai sót trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 xảy ra liên tiếp đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh và làm suy giảm uy tín của ngành Giáo dục.

Bà Phạm Minh Sơn - Giám đốc trung tâm đào tạo kỹ năng Awaken cho rằng, sự thiếu trách nhiệm của các cán bộ thi đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý và định hướng của nhiều học sinh và phụ huynh.

Trước hết là cảm giác bất công. Như vụ việc tại Thái Bình, những học sinh từ trượt thành đỗ chắc chắn sẽ rất phẫn nộ và bức xúc khi nỗ lực của họ không được công nhận một cách công bằng. Trong khi, các em từ đỗ thành trượt sẽ rơi vào trạng thái sốc. Hệ quả từ việc này có thể làm giảm động lực học tập, dẫn đến tâm lý không muốn cố gắng trong tương lai và không tham gia các hoạt động giáo dục khác.

Thứ hai, học sinh và phụ huynh sẽ gặp khó khăn trong việc định hướng tương lai, khi phải đưa ra các quyết định học tập tại trường khác có thể không phù hợp với sở thích hoặc khả năng của các em. Việc trượt một kỳ thi quan trọng sẽ làm học sinh hoài nghi về năng lực của bản thân, dễ dẫn đến căng thẳng và lo lắng về phản ứng từ gia đình, bạn bè và xã hội.