Sắp điều tra tình hình tiền lương tại 18 tỉnh thành

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ điều tra tình hình lao động, tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ở 18 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, và TP. HCM.

Cụ thể, 18 tỉnh, thành đại diện cho 8 vùng kinh tế nằm trong diện điều tra gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Cần Thơ.

Trong 18 tỉnh, thành, hai địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là Hà Nội với 700 doanh nghiệp, 1.400 lao động và 800 doanh nghiệp TP.HCM với 1.600 lao động. Các doanh nghiệp diện điều tra được thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2023 đến thời điểm điều tra vẫn đang hoạt động.

Điều tra lương tại doanh nghiệp để làm mục tiêu tăng lương năm 2025

Các đơn vị này đại diện cho ba nhóm quy mô lao động từ 10 đến dưới 100 người, 100 đến dưới 300 và từ 300 người trở lên thuộc các loại hình Nhà nước, ngoài Nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài tại các ngành nghề nông lâm – ngư nghiệp, công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ.

Các nội dung điều tra gồm: tình hình điều chỉnh tiền lương theo quy định gần nhất; tác động về chi phí; mức độ tuân thủ; mức tiền lương bình quân, làm thêm giờ, kết cấu tiền lương, mức lương thấp nhất của người long động trong các loại hình doanh nghiệp trong năm 2023, 2024.

Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025. Đồng thời phục vụ công bố định kỳ tiền lương bình quân để doanh nghiệp, người lao động làm cơ sở thương lượng.

Trước đó, ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ 1/7, lương tối thiểu tháng đối với người lao động theo vùng tăng 6% so với năm 2023.

Cụ thể, vùng I ở mức 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II mức 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III mức 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV mức 3,45 triệu đồng/tháng. Lương tối thiểu giờ vùng 1 đạt 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200, vùng 3 đạt 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.

Giới chuyên gia đánh giá, việc tăng lương cơ sở là niềm vui cho nhiều người nhưng cũng đi kèm nỗi lo thường trực là giá cả rất có thể sẽ tăng theo, thậm chí tăng trước lương. Nếu giá cả thị trường tăng quá cao thì công nhân, viên chức, người nghỉ hưu, đối tượng chính sách, người có công, nhất là lao động nghèo...sẽ càng gặp khó, bởi lương tăng không theo kịp giá cả.

Dù tăng lương nhưng nhiều người lao động vẫn không đủ chi tiêu

Theo chị Thanh Hà, một tiểu thương ở chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), từ khoảng 3 tháng nay, giá cả hàng thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đã tăng lên. Cụ thể, giá thịt lợn bình quân đã tăng từ 75.000-80.000 đồng/kg lên 90.000-100.000 đồng/kg; riêng thịt ba chỉ đã tăng từ 130.000 lên 140.000 – 145.000 đồng/kg; giá rau củ quả cũng tăng mạnh, gần như gấp đôi. Tuy nhiên, sức mua của người dân vẫn ổn định bởi đây là hàng thực phẩm thiết yếu.

Chị Quỳnh Oanh, nhân viên tại một doanh nghiệp về điện tử bày tỏ, tăng lương “vui thì ít mà lo thì nhiều”. Theo chị Oanh, trung bình 1 tháng giá đình chị chi tiêu khoảng 6 triệu đồng cho tiền mua thức ăn, lương thực nhưng tháng 7 vừa qua chi tiêu đã tăng lên 7,5 triệu đồng cho việc mua thực phẩm. Chưa kể mấy khoản phát sinh như dịch vụ Internet, tiền gửi xe, phí dịch vụ... cũng làm tăng lên.

Trước đó, theo khảo sát quý II/2023 của Viện Công nhân Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập trung bình của người lao động khoảng 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Riêng tiền dành cho lương thực, thực phẩm chiếm 70%; mức chi tiêu đã tăng 19% so với năm 2022 chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Ở góc nhìn chuyên gia, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Lao động Xã hội cho biết, nhiều khi người dân bị bệnh "lạm phát tâm lý", tức là cứ khi nghe lương tăng là họ tự ý tăng giá, nhất là các tiểu thương hay tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định.