Tận dụng triệt để quỹ đất để gia tăng nguồn cung nhà ở

Nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội ngày càng tăng cao, đặc biệt là các dự án có mức giá "vừa túi tiền" nhưng trên thị trường lại đang có hàng loạt dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí. Trong khi đó, những quỹ đất này hoàn toàn có thể tận dụng để tăng thêm nguồn cung.

 Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại Hà Nội, hiện có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Những tòa nhà được xây dựng quy mô lớn, với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng, nhưng lại không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, khiến toàn bộ hạ tầng và các công trình phụ trợ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Hàng nghìn căn hộ và ha đất bị bỏ hoang

Điển hình tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, dự án xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất D17 Khu đô thị mới Cầu Giấy (số 1 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu) đã bị đình trệ nhiều năm. Dự án có quy mô 15 tầng với 299 căn hộ, nhưng do bị "đắp chiếu" quá lâu, hiện nay khu vực này đã rơi vào tình trạng hoang hóa và xuống cấp.

Một ví dụ điển hình là dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III, nằm ở vị trí đắc địa với giao thông thuận tiện, mặt tiền là tuyến phố Tân Mai và đối diện hồ Đền Lừ. Mặc dù 3 tòa chung cư cao hơn 10 tầng trong khu tái định cư này đã được hoàn thiện từ năm 2017, nhưng cho đến nay, các căn hộ vẫn chưa có ai đến ở.

Ngoài các dự án tái định cư, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang trong suốt nhiều năm. Dự án này, được khởi công từ năm 2009, xây dựng trên diện tích 40.000 m2 với tổng chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng, gồm 6 khối nhà cao tầng nhằm phục vụ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên nhưng đến nay mới chỉ có 2 khối nhà được hoàn thiện, và còn rất nhiều phòng trống.

Dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III bỏ hoang nhiều năm

Bên cạnh đó, báo cáo của UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, thành phố có tổng cộng 712 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó 705 dự án đã được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và có chỉ đạo xử lý. Thêm vào đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã rà soát và đề nghị xử lý đối với 117 dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn.

Các quận, huyện có nhiều dự án chậm tiến độ và vi phạm quy định về triển khai có thể kể đến như: Long Biên (24 dự án), Thạch Thất (19 dự án), Nam Từ Liêm và Hà Đông (12 dự án), Sóc Sơn (9 dự án), và các quận khác như Ba Vì, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm mỗi đơn vị có 6 dự án.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong số này có những dự án chậm hàng chục năm với nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự thay đổi trong quy định pháp luật, pháp lý chưa rõ ràng, hoặc chủ đầu tư khó khăn về tài chính. Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì việc các khu đất đắc địa bỏ hoang đang gây ra sự lãng phí rất lớn. Vì vậy, các sở, ngành cần cố gắng, với tinh thần quyết liệt cao nhất để phát triển kinh tế Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân.

Nhiều dự án “cấp tập” trở lại thị trường

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trần Sỹ Thanh, cho biết để chuẩn bị cho năm 2025, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh và tài chính nhằm phục hồi thị trường ngay từ bây giờ. Các giải pháp mà doanh nghiệp áp dụng bao gồm huy động vốn mới và điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc "vừa túi tiền" để đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng.

Trong thời gian qua, nhiều dự án bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại và gia tăng tốc độ bán hàng trong những tháng cuối năm 2024, mang đến một nguồn cung lớn cho thị trường. Đầu tháng 11, thị trường ghi nhận sự trở lại của dự án Hanoi Melody (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội), được phát triển bởi Hưng Thịnh Land. Sau ba năm gián đoạn, dự án này đã hoàn thiện pháp lý và mở bán khoảng 800 căn hộ với mức giá từ 62 đến 75 triệu đồng/m2. Để tạo niềm tin cho khách hàng, chủ đầu tư đã phối hợp với ngân hàng giám sát quá trình triển khai xây dựng, bán hàng, giải ngân thanh toán và cho vay vốn.

Ngoài dự án Melody, trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, ít nhất 5 dự án bất động sản đang được triển khai sau nhiều năm ngừng thi công. Các dự án này bao gồm tổ hợp chung cư TSQ Land, khu đô thị Trung Văn Nam Cường, và chung cư QMS... Tại huyện Hoài Đức, dự án Cienco 5 Tân Lập sau 15 năm bỏ hoang cũng đã được chủ đầu tư dọn dẹp và bắt đầu xây dựng lại, tiến hành thi công thô các block liền kề và biệt thự.

Tính đến hết tháng 6/2024, thành phố có tổng cộng 712 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai

Ông Nguyễn Mạnh Hà, đại diện Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định rằng việc các dự án được khởi động trở lại là dấu hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang phục hồi và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường. Nếu những dự án này được triển khai thành công, chúng không chỉ tạo cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư mà còn giúp giải quyết phần nào "cơn khát" nhà ở đang diễn ra.

Việc các doanh nghiệp tái khởi động các dự án bất động sản có thể là hệ quả của những thay đổi trong các quy định mới về thu hồi đất đối với các dự án bị ngừng triển khai trước đó. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp cũng đang diễn ra mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng dự án "đắp chiếu".

Việc tái khởi động những dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực giúp thị trường bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn phải đối mặt với không ít thách thức và cần nỗ lực rất lớn để vượt qua khó khăn và đạt được thành công.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp mở rộng quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, đồng thời rà soát và chuyển đổi các quỹ nhà tái định cư để phục vụ mục đích này. Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng được thụ hưởng, nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để duy trì giá nhà ở ở mức hợp lý, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phát triển trong thời gian tới.