Tham vọng lấy lại vị thế hàng đầu, Nhật Bản viện trợ 3,9 tỷ USD cho liên doanh chip non trẻ Rapidus

Nhật Bản đã phê duyệt khoản trợ cấp lên tới 590 tỷ yên (3,9 tỷ USD) cho liên doanh chip Rapidus, cam kết sẽ đầu tư nhiều tiền hơn trong thời gian tới. Đây là một phần trong tham vọng đưa đất nước trở lại vị trí dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Ken Saito, khoản tài trợ bổ sung sẽ giúp Rapidus mua thiết bị sản xuất chip và phát triển các quy trình sản xuất chip phụ trợ tiên tiến. Số tiền này là một phần trong khoảng 4 nghìn tỷ Yên mà Nhật Bản đã dành riêng trong ba năm qua nhằm phục hồi lại vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực sản xuất chip trước đây.

Trước đó, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn với tuổi đời khá non trẻ (19 tháng) cũng đã nhận được nhiều khoản đầu tư lớn để hiện thực hóa kế hoạch sản xuất hàng loạt chip thế hệ mới ở tỉnh Hokkaido, cạnh tranh với các công ty dẫn đầu là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Thiết bị điện tử Samsung.

Ông Saito cho biết: “Các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo mà Rapidus đang nghiên cứu là công nghệ quan trọng nhất sẽ quyết định tương lai của ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản”. Năm 2024 là năm tài chính cực kỳ quan trọng đối với Rapidus.

So với các nhà sản xuất khác tại Trung Quốc - vốn đang chịu nhiều sức ép từ nỗ lực kiềm chết tiếp cận các thiết bị sản xuất bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Rapidus đang có khá nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, việc nắm bắt được thời cơ và tận dụng được để biến thành sức mạnh, tạo ra những con chip cực mạnh, có thể cạnh tranh được với chip của Nvidia, Samsung, TSMC được hay không còn là câu chuyện đường dài ở phía trước.

Công ty khởi nghiệp chuyên về bán dẫn Rapidus đang thu hút lượng lớn đầu tư từ phía Chính phủ Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida cho biết, Chính phủ nước này dự kiến sẽ hỗ trợ tài chính 10 nghìn tỷ Yên cho các nhà sản xuất chip trong thời gian tới. Nhật Bản cũng đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào nhà máy đầu tiên của TSMC ở Kumamoto, miền nam Nhật Bản, cũng như việc Micron Technology Inc mở rộng tại nhà máy ở Hiroshima để sản xuất DRAM tiên tiến.

Về phần mình, Rapidus đang hợp tác với các nhà nghiên cứu trong nước về công nghệ nano và vật liệu để thu hẹp khoảng cách với TSMC về công nghệ chế tạo tiên tiến. TSMC hiện đang nắm giữ thị phần lớn nhất trong hoạt động sản xuất chip tiên tiến thuê ngoài trên thế giới, trong khi đối thủ gần nhất là Samsung đang phải vật lộn trong nhiều năm để bắt kịp.

Các con chip tiên tiến của Rapidus đang nhận được sự quan tâm của nhiều công ty công nghệ trên toàn cầu.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại Nhật Bản, khoảng 536,5 tỷ Yên trong khoản trợ cấp mới được phê duyệt sẽ được sử dụng để lắp đặt thiết bị cho dây chuyền thí điểm tại nhà máy Chitose của Rapidus, thu hút các nhà nghiên cứu từ Tập đoàn IBM, rút ngắn thời gian quay vòng và xây dựng hệ thống kiểm soát sản xuất. và Công nghiệp. 53,5 tỷ Yên còn lại sẽ được sử dụng để phát triển các công nghệ đóng gói tiên tiến nhằm giúp kết hợp nhiều chip để tạo ra thiết bị mạnh hơn. 

Saito cho biết, ba thập kỷ kinh tế trì trệ và mất khả năng cạnh tranh quốc tế của Nhật Bản một phần là do thiếu hiểu biết : “Không quá lời khi nói rằng chip là nền tảng của các ngành công nghiệp của đất nước này và của thế giới".

Sau quyết định đầu tư của Chính phủ, cổ phiếu của các nhà sản xuất thiết bị chip Nhật Bản đã tăng giá mạnh. Tokyo Electron Ltd tăng tới 3,5% và Disco Corp tăng 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng ngay sau đó.