Thay đổi hành vi để tránh lãng phí hàng tỷ đô mỗi năm vì rác thải nhựa

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mỗi năm thất thoát gần 3 tỷ USD do rác thải nhựa sinh hoạt không được tái chế. Đồng thời, ô nhiễm nhựa đang trở thành một áp lực lớn đối với nước ta. Việc phân loại rác tại nguồn sẽ là bước đi nền tảng để giải quyết vấn đề này.

Kết quả tích cực từ phân loại rác tại nguồn

Từ tháng 6 năm nay, Hà Nội đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm. Theo đó, rác được chia thành 4 loại: tái chế/tái sử dụng, cồng kềnh, nguy hại và chất thải còn lại, trước khi được thu gom và xử lý.

Đến nay, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết đã thu gom được 380 tấn rác tái chế, hơn 250 tấn rác cồng kềnh và 200kg pin dùng một lần.

Rác thải sinh hoạt được phân thành các loại để tiện thu gom và tái chế (Ảnh: Gia Chính)

Tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2024 ngày 10/12, ông Đặng Hữu Bình - Phó Tổng Giám đốc Urenco cho hay, quận Hoàn Kiếm có 18 phường tham gia thí điểm, đóng góp 89% lượng rác tái chế của thành phố, tương đương khoảng 3 tấn mỗi ngày. Trong khi đó, quận Nam Từ Liêm và Hai Bà Trưng lần lượt thu gom được 4% và 5% lượng rác tái chế. Còn quận Ba Đình và Đống Đa, mỗi nơi chỉ đạt 1%.

Ông Bình ước tính, với mức phí vận chuyển rác tới nơi xử lý dao động từ 169.000 - 528.000 đồng/tấn, quận Hoàn Kiếm đã giúp thành phố tiết kiệm khoảng 2,5 triệu đồng mỗi ngày nhờ lượng rác tái chế thu gom được. Sau khi trừ chi phí vận chuyển thu gom là 519.000 đồng, số tiền tiết kiệm ròng đạt gần 2 triệu đồng mỗi ngày.

Tương tự, việc xử lý 1,6 tấn chất thải cồng kềnh tại nguồn cũng giúp thành phố tiết kiệm 1 triệu đồng. Như vậy, chỉ riêng hoạt động thu gom rác tái chế và cồng kềnh của quận Hoàn Kiếm đã có thể tiết kiệm cho ngân sách thành phố hàng tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả vượt trội của Hoàn Kiếm là nhờ chính quyền quận chủ động ban hành kế hoạch phân loại rác chi tiết và hiệu quả. Đồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng chung tay tham gia tuyên truyền, hỗ trợ đổi quà khuyến khích người dân phân loại rác. Hiện lượng rác tái chế từ quận này vẫn duy trì ổn định ở mức khoảng 3 tấn mỗi ngày.

Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sau khi được thu gom, rác tái chế thường được chuyển đến các vựa phế liệu, trạm phân loại, sau đó qua nhà máy tái chế để trở thành nguyên liệu mới trong vòng đời sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất.

Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm lãng phí

Theo đại diện Urenco, chi phí cho thu gom và vận chuyển rác, đặc biệt logistics, là một gánh nặng lớn. Thực tế, một xe tải 5 tấn của doanh nghiệp chỉ chở được gần 1 tấn giấy do rác tái chế thường cồng kềnh, dẫn đến khối lượng nhỏ. Để cải thiện, Urenco đã đầu tư xây dựng một cơ sở phân loại rộng hơn 2.000 m² để đóng kiện và sơ chế, giúp nâng cao hiệu suất vận chuyển. Hiện doanh nghiệp này đang chờ thành phố phê duyệt quy hoạch trạm phân loại mới tại khu vực quận Cầu Diễn.

Về phía người dân, bà Lê Thị Hồng Nhi - Phó Tổng Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại của Unilever Việt Nam nhận định, nhiều người chưa sẵn sàng thay đổi thói quen vì sự tiện lợi, đặc biệt khi không còn được nhận quyền lợi trực tiếp từ việc phân loại. Bà cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế, vì điều này sẽ đảm bảo đầu ra bền vững cho rác tái chế được phân loại từ nguồn.

Mỗi năm thất thoát gần 3 tỷ USD

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mỗi năm thất thoát gần 3 tỷ USD do rác thải nhựa sinh hoạt không được tái chế. Điều này cho thấy, việc thúc đẩy phân loại rác tại nguồn là một nhiệm vụ quan trọng.

Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần Tái chế bao bì - PRO Việt Nam chia sẻ, phân loại rác tái chế mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường. Thứ nhất, giúp giảm đáng kể lượng rác thải phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt, từ đó giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời, việc này cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm đất và nguồn nước.

Thứ hai, khi rác tái chế được phân loại đúng cách, nó có thể trở thành nguồn nguyên liệu giá trị cho sản xuất, với chi phí xử lý thấp hơn. Điều này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn mà còn giúp giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn tài nguyên cho thế hệ tương lai.

Việt Nam mỗi năm thất thoát gần 3 tỷ USD do rác thải nhựa sinh hoạt không được tái chế

Hiện nay, tỷ lệ bao bì được tái chế ở Việt Nam vẫn rất thấp, nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu đồng bộ trong các khâu thu gom và xử lý rác thải, cùng với ý thức phân loại rác của người dân chưa cao. Ngoài ra, các nhà tái chế trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào phế liệu nhập khẩu thay vì tận dụng nguồn phế liệu trong nước.

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là thương mại điện tử bùng nổ, gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm phát thải trong quá trình vận chuyển và việc sử dụng bao bì đóng gói. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong năm 2023, việc hoàn tất đơn hàng trực tuyến tại Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 160.000 tấn bìa carton và 145.000 tấn nhựa các loại.

Một đơn hàng thông thường được đóng gói với nhiều lớp bao bì, từ thùng carton, túi nhựa, màng co đến các vật liệu chèn như xốp hoặc túi khí. Đối với các sản phẩm hóa mỹ phẩm, việc đóng gói còn phức tạp hơn gồm quấn bong bóng khí và dán kín từng sản phẩm để đảm bảo an toàn.

Đại diện Lazada cho biết, họ đang nỗ lực tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn trong bao bì để tăng khả năng tái chế và giảm nhu cầu sử dụng nhựa. Amazon cũng đang áp dụng các biện pháp giảm bao bì, cho phép nhà bán hàng sử dụng bao bì tùy chỉnh mà không cần bổ sung thêm vật liệu từ đơn vị giao vận. Điều này không chỉ giảm lượng bao bì sử dụng mà còn tối ưu hóa không gian trên xe tải, giảm số lượng xe tải cần thiết và lượng carbon phát thải.

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho hay, thay vì sử dụng tải dứa bọc hàng dùng một lần, công ty đã chuyển sang sử dụng vật liệu bền vững có thể tái sử dụng đến 200 lần, chỉ cần thay mới 1-2 lần mỗi năm.

Viettel Post còn hướng tới xây dựng các tủ gửi đồ thông minh tại các khu dân cư đông đúc như chung cư hoặc khu công nghiệp, nhằm giảm lượng di chuyển của bưu tá và qua đó giảm phát thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để giảm phát thải carbon trong các ngành kinh tế số, không chỉ cần sự nỗ lực từ các doanh nghiệp nền tảng và đơn vị giao vận, mà còn cần sự tham gia tích cực của cả người bán và người dùng cuối. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, hành vi của cả hai nhóm này đóng vai trò quan trọng.

Người bán cần tập trung vào việc tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm bền vững, sử dụng các vật liệu đóng gói ít hơn nhưng bền vững hơn, đồng thời khuyến khích người dùng tái sử dụng và tái chế. Những hành động này sẽ góp phần thúc đẩy sự hình thành một nền kinh tế tuần hoàn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Về phía người dùng cũng cần thay đổi hành vì, sẵn sàng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ và người bán thân thiện với môi trường.