Dự án có 8 nội dung được điều chỉnh
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã tổ chức hội nghị cho ý kiến về một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh 8 nội dung liên quan tới việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy.
Tên dự án được điều chỉnh từ Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy thành Thung lũng suối nguồn Hương Bình. Theo đó, mục tiêu đầu tư xây dựng dự án cũng được điều chỉnh từ khu du lịch sinh thái tâm linh và một số dịch vụ kèm theo thành khu du lịch nghỉ dưỡng với các dịch vụ cao cấp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; góp phần phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội; tăng nguồn thu ngân sách; tạo việc làm cho người lao động.
Tổng vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh từ hơn 3.000 tỷ tăng lên thành hơn 5.000 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện cũng được lùi tới quý 4/2029. Ngoài ra dự án còn điều chỉnh quy mô đầu tư, địa điểm thực hiện dự án, diện tích đất sử dụng.
Với các nội dung trên, đại đa số ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình nhất trí với chủ trương điều chỉnh dự án. Ông Nguyễn Phi Long – Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo huyện Lạc Thủy và nhà đầu tư thực hiện nghiêm các quy định, đảm bảo triển khai dự án thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
Trước đó vào hồi tháng 9/2024, tại buổi kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm ở huyện Lạc Thủy, ông Bùi Văn Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với UBND huyện Lạc Thủy sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2024. Đồng thời triển khai các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền giao đất đợt 1 để triển khai xây dựng dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Trong trường hợp nhà đầu tư gặp khó khăn về việc triển khai dự án, cần đề xuất, trình đưa dự án ra khỏi danh sách các dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, vẫn còn hơn 4,8ha đất của dự án chưa được giải phóng mặt bằng.
Được biết hồi năm 2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho chuyển đổi gần 48ha đất trồng lúa để đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy thuộc xã Phú Lão (huyện Lạc Thủy).
Dự án này được đề xuất đầu tư bởi Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình, quy mô sử dụng đất sau điều chỉnh khoảng 121ha, trong đó khoảng 48ha là diện tích đất trồng lúa.
Tổng vốn đầu tư trước điều chỉnh khoảng 3.038 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư khoảng 455 tỷ đồng, với khoảng 2.500 tỷ đồng còn lại sẽ được huy động và vay từ các nguồn hợp pháp.
Phía Công ty Pacific - Hòa Bình đề xuất chia dự án thành 2 phân khu. Phân khu 1 quy mô khoảng 81ha để xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình, công viên làng du lịch Việth Nam, bảo tàng nguồn cội, biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ, các công trình thương mại dịch vụ, khuôn viên cây xanh, đường giao thông.
Phân khu 2 có diện tích 38,9ha dành để xây khác sạn, khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ, các công trình thương mại dịch vụ.
Ban đầu, dự án có kế hoạch hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong quý 1/2020. Quá trình xây dựng được chia làm 4 giai đoạn và chính thức đưa vào hoạt động, kinh doanh khai thác dịch vụ từ tháng 3/2025.
Chân dung nhà đầu tư
Theo tìm hiểu, Công ty Pacific - Hòa Bình thành lập ngày 11/10/2016, trụ sở chính tại xã Phú Lão (huyện Lạc Thủy), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Hiện nay người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Phan Lê Hoàng. Ngoài Pacific - Hòa Bình vị này còn đại diện pháp lý cho khoảng 10 doanh nghiệp khác.
Được biết, sau hơn 1 tháng “ra đời”, ngày 18/11/2016 công ty này đã được UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Hòa Bình. Dự án sau này được Ban Thường vụ tỉnh ủy Hoà Bình yêu cầu đổi tên thành Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy nhằm phản ánh rõ hơn vị trí, phạm vi ranh giới của dự án.
Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình chính là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. Tập đoàn được thành lập từ năm 2001 do ông Phan Lê Hoàng làm Tổng giám đốc.
Theo thông tin tại website của Tập đoàn Thái Bình Dương, hiện tập đoàn này có 11 công ty thành viên chủ yếu hoạt động ở Bình Thuận, Hòa Bình, Đà Nẵng, Đắk Lắk và kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tổng thầu, bất động sản.