Hà Nội: Người dân sẽ được hỗ trợ, giảm giá khi đổi xe máy cũ lấy xe mới

Để khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, Hà Nội sẽ hỗ trợ tài chính cho việc đổi xe cũ lấy xe mới, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng phí và lệ phí với các phương tiện gây ô nhiễm cũng sẽ được xem xét để giảm thiểu lượng khí thải.

Từng áp dụng hỗ trợ tiền đổi xe máy cũ

Chiều 11/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời các câu hỏi chất vấn của nhiều đại biểu HĐND về giải pháp, kế hoạch khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và "hồi sinh" các dòng sông trên địa bàn. Ông Thanh đã đề cập tới nghị quyết vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí.

xe-may-cu-1-1733964983.jpg
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Theo đó, sau khi nghị quyết được thông qua, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân vùng LEZ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh. Thành phố sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phương tiện để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.

Thành phố chọn địa bàn 2 quận trung tâm là Ba Đình và Hoàn Kiếm để thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025 và từ năm 2031 trở đi sẽ áp dụng rộng rãi trên địa bàn hầu hết các quận.

Dự kiến khu vực không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; khu vực phố cổ sẽ được thí điểm vùng phát thải thấp đầu tiên. Bởi các khu vực này đã tổ chức phố đi bộ và cấm phương tiện vào các ngày cuối tuần.

Để khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, thành phố sẽ hỗ trợ tài chính cho việc đổi xe cũ lấy xe mới, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng phí và lệ phí với các phương tiện gây ô nhiễm cũng sẽ được xem xét để giảm thiểu lượng khí thải.

Việc hỗ trợ kiểm định khí thải xe máy và chuyển đổi phương tiện xe máy gây ô nhiễm đã được Hà Nội thực hiện năm 2021, khi Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức đo kiểm cho hơn 5.000 xe máy.

Thời điểm đó, xe máy cũ đăng ký lần đầu trước năm 2002, thuộc các hãng xe của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - VAMM (Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM), nếu không đạt yêu cầu về khí thải, người dân tự nguyện chuyển sang phương tiện mới có thể được ban tổ chức hỗ trợ kinh phí đến 4 triệu đồng.

xe-may-cu-1733964983.jpg
Năm 2021, Hà Nội từng có chương trình hỗ trợ đổi xe máy cũ

Lần đầu được luật hóa

Tại Khoản 6 Điều 3 của Luật Thủ đô, khái niệm vùng phát thải thấp được đưa ra nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây là lần đầu tiên, một giải pháp chống ô nhiễm không khí đã được luật hóa.

Vùng phát thải thấp là một mô hình hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam và có tác động lớn đến các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy. Ông Nguyễn Văn Mạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chủ trương xác định các vùng phát thải thấp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông là rất bức thiết và cần phải giải quyết. Tuy nhiên, đi liền với đó cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, giải quyết sinh kế cho người dân sử dụng xe gắn máy là phương tiện tạo thu nhập.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ủng hộ việc hình thành vùng LEZ theo xu hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Nếu mô hình này được thực hiện thành công ở Hà Nội, hoàn toàn có thể nhân rộng ra các đô thị có mật độ dân cư đông và số lượng phương tiện cá nhân lớn như TP. HCM, TP. Vinh (Nghệ An)...

Ông góp ý, khi thực hiện, cần làm rõ phạm vi triển khai LEZ là ở một tuyến đường hay liên thông, đồng thời phải có chỉ số đo lường cụ thể. Cần nghiên cứu kỹ, tránh đưa ra phương án không khả thi và không có biện pháp giám sát. Quan trọng hơn, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của rất nhiều người dân nên cần có lộ trình cụ thể.

Để vùng phát thải thấp có thể đi vào thực tế, Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải áp dụng cho xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và cũng chưa có hạ tầng cơ sở kiểm tra khí thải đối với các phương tiện giao thông đang lưu hành.

Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội cũng chưa đầy đủ, vì vậy chưa có số liệu kiểm kê phát thải, cập nhật và thường kỳ, đặc biệt là từ nguồn phát thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách.

Hà Nội cũng đang phải đối mặt với vấn đề hệ thống giao thông công cộng thiếu đồng bộ và chưa phát triển. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại chi phí cao của các phương tiện xanh như xe điện hoặc xe hybrid cũng là một rào cản lớn. Thực tế chỉ ra, phần đông người dân hiện có thu nhập ở mức thấp và trung bình. Điều này là rào cản lớn để tiếp cận với các loại phương tiện thay thế nếu không có các chính sách hỗ trợ hợp lý.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6 - 8h và 17 - 19h.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - 2020 cho thấy, nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%.

Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố hiện có 1,1 triệu ôtô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.