Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, đang có khoảng 18.000 căn hộ (Hà Nội 4.000 căn, TP.HCM 14.000 căn) tái định cư bị bỏ hoang, không có người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để bảo trì, bảo dưỡng; gây lãng phí tài nguyên đất đai. Nhiều dự án đã có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Ghi nhận tại dự án nhà ở tái định cư N01-D17 tại số 1 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho thấy, dự án được xây dựng năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 10 năm, dự án vẫn trong cảnh "đắp chiếu" và bỏ phí không đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, dự án này nằm ngay trên khu đất vàng quận Cầu Giấy, nhưng do không được bố trí vốn kịp thời khiến việc thi công công trình chưa thể hoàn thành.
Hay như dự án nhà ở tái định cư A14 khu đô thị Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cũng chung hoàn cảnh. Dù đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng sau 7 năm, hai tòa nhà nằm ngay mặt đường Mạc Thái Tổ vẫn bị bỏ hoang, không có người sử dụng.
VARS cho rằng, nguyên nhân của việc bỏ hoang này là do các khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống hoặc do chủ đầu tư không được bố trí vốn kịp thời. Tuy nhiên, việc hàng chục nghìn căn hộ để không trong khi người dân không có nhà là hiện tượng bất hợp lý.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, để giải quyết vấn đề này cần phải có giải pháp đồng bộ, có thể thực hiện hoặc chuyển mục đích sử dụng sang NOXH hoặc cho thuê.
Tuy nhiên, theo Luật sư Quách Minh Trí – Công ty Luật TNHH Passio Lawyers, việc chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà NOXH là hướng đi hay, nếu vận dụng được sẽ tạo thêm nguồn cung nhà ở cho người dân, nhưng về bản chất đây là 2 loại hình nhà ở có sự khác biệt, có những tiêu chuẩn riêng.
Cụ thể, mỗi căn NOXH thường có diện tích sử dụng dao động từ 25m2 – 70m2, nhưng nhà tái định cư lại không giới hạn diện tích nhà ở do phải bồi thường cho người dân bị thu hồi đất (nhà), nhất là đối với các hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Theo đó, nếu chuyển đổi công năng chỉ với các căn hộ bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích trong các tòa nhà tái định cư thì sẽ rất khó trong quản lý, vận hành sau này.
Do đó, để áp dụng được phương án này, Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, phải có các quy định rõ về quy chuẩn chất lượng, tiến trình thẩm định chất lượng trước khi bàn giao cần phải được quy định chi tiết bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo sự tuân thủ từ các bên liên quan.
Đưa ra phương án để giải quyết các căn hộ bỏ hoang này, VARS nêu ý kiến, cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhưng cần có quy định rõ ràng, đồng bộ bao gồm cả mức giá, thời hạn, các điều kiện cho thuê nhằm đảm bảo quyền lợi của cả người cho thuê và người thuê.
Cũng theo VARS, cần áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư; như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác. Song song với đó, hoàn thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư này, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng, để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống.
Ngoài ra, VARS cũng đề xuất, các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn của gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng, để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống. Đối với các dự án đã hoàn thiện và chưa được sử dụng, có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, chính quyền cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.